Chủ nhật, 28/04/2024, 07:55[GMT+7]

Chủ động phòng chống vi rút cúm gia cầm H5N1 Không để phát sinh và lây lan rộng

Thứ 3, 02/10/2012 | 14:32:15
1,272 lượt xem
Hiện nay vi rút cúm gia cầm H5N1 đang có chiều hướng phát sinh nhanh, trong khi đó đàn gia cầm trong tỉnh từ cuối năm 2010 đến nay chưa được tiêm vắc xin cúm, do đó dịch bệnh có nguy cơ phát sinh và lây lan rộng là rất cao. Để chủ động phòng, chống vi rút cúm H5N1, không chỉ ở các xã đã có dịch mà ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cần làm tốt công tác tiêu độc khử trùng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm ra, vào địa bàn… góp phần cho ngành chăn nuôi p

Để chủ động phòng, chống vi rút cúm H5N1, tất cả các địa phương trong tỉnh cần làm tốt công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ảnh: Ngọc Linh

Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Không hẳn khi gia cầm có các triệu chứng của bệnh dẫn đến chết lúc đó gia cầm mới có vi rút cúm H5N1, mà trên đàn gia cầm ở các địa phương trong tỉnh luôn có sự lưu hành của vi rút cúm, điều này đã được Chi cục Thú ý giám sát, lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian qua…

Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, mưa nhiều, nắng nóng, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn đã không có lợi cho sức khỏe gia cầm; đồng thời người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn nên mầm bệnh sẵn lưu hành trên đàn gia cầm dễ có cơ hội phát sinh thành dịch. Đặc biệt đàn gia cầm trong tỉnh chưa được tiêm phòng vắc xin cúm từ cuối năm 2010 đến nay, do đó dịch bệnh càng có cơ hội phát sinh và lây lan.

Theo ông Đức thì vi rút cúm lưu hành trên đàn gia cầm ở các địa phương trong tỉnh đã có sự biến đổi nên việc tiêm vắc xin cúm hầu như không còn tác dụng, vắc xin mới theo sự biến đổi này thì chưa có. Vì vậy việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất hiện nay là hộ chăn nuôi phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, như tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi nhốt thả gia cầm, không buôn bán, giết mổ gia cầm ốm, kiểm soát chặt chẽ gia cầm ra, vào địa bàn…

Thực tế cho thấy, tại 3 xã Quang Trung, Vũ Hòa (Kiến Xương) và Đông Hoàng (Tiền Hải) có gia cầm dương tính với H5N1 sau khi thực hiện các biện pháp theo quy định đã không còn phát sinh thêm gia cầm ốm, chết (tính đến ngày 28/9). Cụ thể, 3 xã có dịch cúm đã được xử lý bằng 296 lít hóa chất Benkocid và 5.400 kg vôi bột; đồng thời thành lập 8 chốt kiểm dịch để kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển sản phẩm gia cầm…

Mặc dù dịch cúm gia cầm đã dừng lại ở 3 hộ của 3 xã thuộc 2 huyện, nhưng theo nhận định của Chi cục Thú y thì việc tái đàn nuôi mới tại các địa phương tăng cao, cùng với gia cầm chưa được tiêm vắc xin và vi rút đang lưu hành trên đàn gia cầm ở các địa phương với tỷ lệ khá cao… do đó nếu không tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thì dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan. Chính vì vậy, Chi cục Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai kế hoạch “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi” , tập trung trong thời gian từ ngày 28/9 đến ngày 15/10/2012. Theo đó, việc tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng  sẽ được tổ chức thành chiến dịch rộng khắp trên địa bàn tỉnh, gồm: Toàn bộ khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, khu vực chợ, nơi giết mổ, các trang trại, gia trại, chuồng nuôi gia súc…

Như vậy, các địa phương, cơ sở chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… cần phải phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn và khơi thông cống rãnh; tiêu độc bằng hóa chất toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vùng phụ cận 3 lần/ tuần; quy hoạch nơi buôn bán gia súc, gia cầm vào một khu vực riêng… Đối với vùng không có dịch khi phun hóa chất Bencocid thì pha 20-25 ml/ 10 lít nước phun đều lên chuồng cho đủ ướt; vùng có dịch pha 33 – 40 ml/10 lít nước, ngày phun 2 lần, liên tục cho đến khi hết dịch. Khi tiêu độc khử trùng thì việc phun hóa chất chỉ được thực hiện sau khi đã vệ sinh quét dọn, thu gom rác, cọ rửa sạch chuồng nuôi.

Để thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2275/QĐ-UBND về việc xuất hóa chất dự trữ của tỉnh hỗ trợ cho các địa phương thực hiện với 14.000 kg Bencocid. Cùng với việc thực hiện tiêu độc khử trùng, hiện Chi cục Thú y đã thành lập đội kiểm dịch lưu động để kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trong tỉnh và vận chuyển ra vào tỉnh.

Trước diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm hiện nay, các huyện, thành phố, ngành chức năng cần thành lập các đội kiểm tra lưu động của mình để kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm này ra, vào địa phương; đồng thời yêu cầu các chủ bến phà, đò ký cam kết không vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc… Đặc biệt trong tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi từ ngày 28/9 – 15/10/2012, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của các ngành chức năng để bảo đảm dịch bệnh không phát sinh và lây lan.

 Nguyên Bình

  • Từ khóa