Thứ 3, 30/07/2024, 01:17[GMT+7]

Kinh tế phát triển bền vững và hiệu quả  Chuyện nghề và làng nghề ở Lê Lợi (Kiến Xương)

Thứ 6, 20/08/2010 | 09:30:59
6,608 lượt xem
Từ bao đời nay, Lê Lợi (Kiến Xương) đã nổi tiếng với nghề chạm bạc, được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2001, Lê Lợi vinh dự được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề chạm bạc – dệt đũi trên quy mô toàn xã. Phát huy truyền thống của cha ông xưa để lại, ngày nay, sức sống trên quê hương Lê Lợi đang đổi thay từng ngày.

Nghề chạm bạc xã Lê Lợi ( Kiến Xương). Ảnh: Ngọc Trâm

Lê Lợi có 2.400 hộ với 8.200 nhân khẩu; trong đó, có 4.510 người trong độ tuổi lao động. ông Lê Việt Cường – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề chạm bạc ở Lê Lợi có từ cách đây hàng trăm năm, phát triển chủ yếu ở hai thôn Phú ân và Văn Hanh. Cùng Lê Lợi, Hồng Thái và Trà Giang cũng có nghề truyền thống chạm bạc; nhưng đến nay, chỉ riêng Lê Lợi vẫn duy trì được mô hình HTX Phú Lợi làm nghề kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm.

 

Được thành lập từ năm 1958, nằm trên diện tích 5.000m2 bao gồm: trụ sở, nhà xưởng sản xuất, gian trưng bày sản phẩm và phân xưởng tẩy hóa mạ bạc xử lý ô nhiễm môi trường, HTX Phú Lợi thực sự là trung tâm thu hút các mặt hàng trong cụm làng nghề và có nhiều cơ sở sản xuất vệ tinh tập trung nhiều lao động có tay nghề giỏi.

 

Ngoài HTX Phú Lợi, vào thời gian cao điểm, ở Lê Lợi có tới 50-60 cơ sở sản xuất trong làng nghề. Các cơ sở trong làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 50-60 nghìn đồng /người/ngày. Đến Phú ân và Văn Hanh mới thấy được sự hình thành mô hình của làng nghề, dọc hai bên đường hầu hết các gia đình đều mở các cửa hàng trưng bày sản phẩm.

 

Sau làng nghề chạm bạc truyền thống, năm 1990, Lê Lợi còn du nhập thêm nghề dệt đũi từ xã Nam Cao liền kề về thôn An Thái và Trung Kinh. Toàn xã hiện nay có trên dưới 100 khung đang hoạt động, mỗi khung có 3 lao động (2 người luân phiên dệt và 1 người đánh ống).

 

Trong xã có doanh nghiệp dệt nhuộm An Liên – là đầu mối thu mua sản phẩm dệt xuất khẩu sang Thái Lan. Ngoài ra, Lê Lợi còn đa dạng các ngành nghề khác: dệt thảm, thêu ren, may mặc, kinh doanh dịch vụ, xay xát, chế biến lương thực thực phẩm... Phát triển nghề và làng nghề, kinh tế Lê Lợi ngày càng khởi sắc.

 

Năm 2010, tổng giá trị sản xuất ước đạt 63, 37 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất CN – TTCN 36, 15 tỷ đồng (85% là thu nhập từ chạm bạc và dệt đũi); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2006-2010 đạt 12,52%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp chiếm 30%, CN – TTCN chiếm 50% và thương mại dịch vụ chiếm 20%.

 

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm cơ sở chạm bạc Hợp Thành (thôn Trung Kinh). Anh Nguyễn Văn Thành – Chủ cơ sở cho biết: Đến với nghề chạm bạc từ năm 2001 khi anh mới 22 tuổi, đến năm 2006, anh mở cơ sở tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 thanh niên trong xã với mức thu nhập trung bình 60-70 nghìn đồng /người/ngày. Lao động tại cơ sở vừa làm vừa được anh đào tạo thêm nâng cao tay nghề. Hầu hết các sản phẩm đều được làm theo đơn đặt hàng, tiêu thụ trong nội địa, từ người tiêu dùng đến các đại lý. 

 

Một trong những vấn đề khó khăn, gây bức xúc trong phát triển nghề và làng nghề ở Lê Lợi, đó là, tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh chưa được khắc phục triệt để. Sản phẩm được hoàn thành phải trải qua quá trình tẩy rửa, hóa mạ bằng các chất axit, hóa chất rất độc hại.

 

Năm 2006, Lê Lợi đã được Bộ Khoa học công nghệ đầu tư quy trình công nghệ tẩy hóa mạ bạc xử lý ô nhiễm môi trường ở HTX Phú Lợi; song quy mô còn nhỏ, xưởng mạ mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tẩy hóa mạ của HTX Phú Lợi. Do vậy, vẫn còn hiện tượng một số cơ sở trong làng nghề tự do tẩy hóa mạ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.

 

Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ sở trong làng nghề chuyển sang làm hàng đồng: tranh phong cảnh, đồ thờ; do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lê Lợi đã phần nào được giảm bớt.

 

Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung phát triển nghề truyền thống, Lê Lợi tiếp tục du nhập nghề mới về địa phương giải quyết ngày càng nhiều công ăn việc làm cho nhân dân. Tham gia hiệp hội làng nghề của tỉnh và huyện; từ đó, thống nhất mặt bằng giá và bảo vệ lợi ích cho người lao động.

 

Chạm bạc truyền thống là một trong những nghề trụ cột kinh tế của Lê Lợi. Do vậy, để nghề và làng nghề ở địa phương phát triển bền vững và hiệu quả, Lê Lợi cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở vay vốn với lãi suất ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất.

 

Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, điện; tăng cường tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm hàng hóa của làng nghề. Hỗ trợ đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động trẻ trong xã; đồng thời, giúp địa phương mở rộng quy mô xưởng hóa mạ ở HTX Phú Lợi, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

     Minh Hương

 

 

  • Từ khóa