Thứ 2, 29/07/2024, 07:25[GMT+7]

Du nhập, phát triển nghề dệt khăn - Cơ hội thoát nghèo của phụ nữ Độc Lập

Thứ 5, 18/10/2012 | 10:04:55
1,410 lượt xem
Từ một xã trắng nghề, quanh năm trông chờ vào 2 vụ lúa nên thu nhập thấp, đến nay, Độc Lập (Hưng Hà) đã có 63,4% hộ phát triển nghề dệt, may khăn, 3 làng được công nhận làng nghề, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9%, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là 20,9%.

Cơ sở dệt khăn của gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Phú Vinh, xã Độc Lập.

Là cô gái còn khá trẻ, nghe theo tiếng gọi của con tim, chị Phạm Thị Hào, quê tận Sơn La về thôn Phú Vinh, xã Độc Lập sinh sống cùng chồng. Lạ nước, lạ cái, trong tay lại không có nghề nghiệp gì, 2 vợ chồng suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tần tảo cầy sâu, cuốc bẫm, cấy, cày trên mấy sào ruộng khoán, nhưng năm nào mưa thuận, gió hòa, được mùa cũng chỉ đủ ăn. Vợ chồng bảo ban nhau tăng gia sản xuất phát triển chăn nuôi thêm con gà, con lợn với mong muốn cải thiện đời sống, song mấy năm trôi qua vẫn không chiến thắng được cái nghèo. Con cái ra đời, cảnh nhà càng túng bấn.  Thấy một số chị em trong xã mua máy dệt khăn về làm nghề, đời sống khá giả, lo được cho con cái ăn học, chị Hào động viên chồng lo việc nhà để đi học nghề.

Ham học, ham tìm hiểu, chỉ sau vài ngày theo học chị Hào đã thạo nghề trở về cùng chồng vay mượn họ hàng tiền làm vốn mua máy về may khăn gia công cho các cơ sở ở xã Phương La. Đến nay, chị Hào đã có trong tay 3 máy dệt khăn. Mỗi ngày thu nhập từ 400 - 500 nghìn đồng, trừ chi phí mỗi tháng lãi 6 - 7 triệu đồng (số tiền trước đây anh chị không dám mơ tới). Chẳng ai ngờ rằng những chiếc khăn tay nhỏ bé xinh xắn, hàng ngày ai ai cũng phải sử dụng đã giúp gia đình chị thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Khi chưa tham gia phát triển nghề dệt khăn, gia cảnh của các chị: Lê Thị Sức (thôn Phú Vinh), Nguyễn Thị Hoài (thôn Long Nãi) và nhiều chị em khác cũng chẳng khấm khá gì so với gia đình chị Hào, thậm chí không lo đủ tiền đóng học khiến con cái phải bỏ học giữa chừng. Thế nhưng, khi tham gia phát triển nghề dệt, may khăn cuộc sống thật sự đổi thay, các thành viên trong gia đình đều có công ăn việc làm, với mức thu nhập ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, trị giá vài trăm triệu đồng, mua sắm đồ dùng tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Chị Phạm Thị Mảnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Độc Lập không giấu nổi niềm vui trước sự thay đổi lớn lao trong bức tranh kinh tế của xã dưới tác động của việc du nhập, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp cho biết: Nghề dệt, may khăn du nhập từ xã Phương La về Độc Lập từ năm 2000, nhưng đến năm 2005 mới phát triển mạnh mẽ, thu hút tới 63,4% số hộ tham gia, 100% chị em đứng máy, có 3 thôn (Xuân La, Long Nãi, Phú Vinh với gần 400 máy) đã được công nhận làng nghề, trong đó thôn Phú Vinh được công nhận làng nghề giai đoạn II. Những căn nhà cấp 4 lụp sụp trước đây dần được thay bằng nhà mái bằng khang trang, các em trong độ tuổi đều được đến trường, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, 86% em đỗ vào THPT (nằm trong tốp cao nhất của huyện Hưng Hà), kỳ thi vừa qua có 85 em thi đỗ đại học, cao đẳng.

Chị cũng cho biết thêm: Để hỗ trợ chị em phát triển nghề, bên cạnh việc phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chị em, Hội Phụ nữ xã còn đứng lên tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 290 hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tổng dư nợ đến nay là trên 5 tỷ đồng. Học nghề dệt, may khăn thực hành là chủ yếu, khoảng 1 tháng là thuần thục, trong khi đó UBND xã cũng như Hội Phụ nữ chưa đủ điều kiện mua máy về để tổ chức dạy nghề tập trung nên giải pháp trước mắt vẫn là vận động, khuyến khích các chị đang phát triển nghề tạo điều kiện dạy nghề cho các chị đang muốn học nghề không thu phí. Phát triển nghề một thời gian, chính các chị được học nghề trước đây lại nhận truyền nghề cho các chị em khác. Bao năm qua, với cách làm sáng tạo này, Hội Phụ nữ xã Độc Lập đã giúp hội viên học được nghề mà không mất tiền học phí, lại có thể đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập”.

Nghề dệt, may khăn mà bà con xã Độc Lập du nhập, phát triển từ xã bạn Phương La, có thị trường và đầu ra ổn định, thời gian tới sẽ tiếp tục được phát huy và nhân rộng để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay của địa phương (Độc Lập là một trong 8 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Hưng Hà).

Thu Hiền

  • Từ khóa