Thứ 2, 29/07/2024, 05:26[GMT+7]

Ghi nhận từ vùng nuôi trồng thủy sản xã Đông Lĩnh

Thứ 3, 23/10/2012 | 14:42:19
1,304 lượt xem
Những năm qua, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi từ mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con giá trị kinh tế cao. Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu song địa phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trang trại nuôi trồng thủy sản của anh Đặng Việt Hùng xã Đông lĩnh (Đông Hưng). Ảnh: Thành Tâm

Xác định phát triển chăn nuôi tập trung là con đường tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư... những năm qua, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi từ mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con giá trị kinh tế cao. Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu song địa phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chuyên - Chủ tịch UBND xã cho biết: vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã được quy hoạch từ năm 2007 rộng 40ha, dự tính sẽ có trên 100 ao cá. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện đa số người dân đều áp dụng theo phương thức chăn nuôi tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù cấp trên đã đầu tư 3 tỷ đồng vào vùng chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi về hệ thống đường, điện, mương máng cho vùng. Cấp xã cũng đã có cơ chế hỗ trợ công đào ao cho các hộ nhưng do điều kiện kinh tế của người dân có hạn nên ít người có tư tưởng làm giàu từ vùng đất này. Hơn nữa, việc dồn đổi đất giữa các hộ dân còn nhiều khó khăn. Đa số các hộ mới chỉ đầu tư nhỏ giọt do khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hoặc có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng lại không dám đầu tư do giá nông sản xuống thấp ... Vì thế sau 5 năm thực hiện, tới nay mới chỉ có 18 hộ chuyển đổi với tổng diện tích trên 10ha. Trong thời gian tới có thêm 4 hộ đăng ký ra vùng chuyển đổi và cũng chưa biết đến bao giờ mới phủ kín như đề án ban đầu đề ra.

 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm HTX DVNN, cũng là người thực hiện chuyển đổi sớm nhất vùng cho biết: khâu cần nhất hiện nay là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc cho các hộ trong vùng chuyển đổi. Điển hình như hộ anh Nguyễn Xuân Khiếm đã chuyển ra được hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa thỏa thuận được với các hộ khác về việc cho xe đi nhờ qua ruộng để chuyển phần đất dư thừa đi nơi khác. Trong khi đó hộ này vẫn phải trả tiền thuê đất theo mùa vụ cho các hộ mà lại chưa có mặt bằng để sử dụng. Khó khăn hơn nữa là đối với những hộ chuyển ra từ 1 -2 năm trở lại đây vừa mới “mon men” vay ngân hàng chút vốn đầu tư vào chăn nuôi thì giá các mặt hàng xuống thấp khiến họ luôn sống trong tình trạng lo âu. Vì thế trong thời điểm này đa số các hộ đều trong trạng thái chăn nuôi cầm chừng.

 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bách là một minh chứng. 2 năm qua, anh chị đã mạnh dạn vay ngân hàng cùng họ hàng anh em đầu tư trên 100 triệu đồng vào nuôi trồng trên tổng diện tích 2,4 mẫu. Hứng khởi nên lúc đầu anh chị vừa đào 3 ao nuôi cá vừa nuôi trên 10 lợn nái, trên 1.000 con vịt và hàng trăm con gà, dự tính cho thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên tới khi có sản phẩm thì giá thành đột nhiên giảm mạnh khiến anh chị lúc nào cũng trong tình trạng như ngồi trên đống lửa bởi không những không hòa được vốn mà còn thua lỗ. Do vậy hiện nay một số chuồng nuôi lợn, gà đã bỏ trống.

 

Tuy nhiên không phải hộ nào trong vùng chuyển đổi cũng nản lòng. Một số hộ ra sớm khi chưa có sự đầu tư của nhà nước về hệ thống đường, điện, mương máng thì họ đã bạo dạn đầu tư và tới nay đã có thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh ngay từ năm 2006 đã phải tự làm đường tạm để đi lại trong vùng chuyển đổi, đầu tư trên 60 triệu đồng vào đào ao nuôi cá, vịt, lợn nái và các loại cây ăn quả trên diện tích 8.000m2. Tính bình quân hàng năm anh cũng thu lãi được 70 triệu đồng. Đến nay anh còn đưa một số loại cây, con mới như cá rô đầu vuông, thanh long ruột đỏ vào nuôi trồng, bước đầu cũng cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Một số hộ khác trong vùng đã chấp nhận những lúc giá thấp bị thua lỗ và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi để chờ cơ hội. Hộ anh Đặng Việt Hùng đã chăn nuôi được 3 năm nay cho rằng: nếu giá con vật nuôi xuống thấp như đầu năm thì anh lỗ khoảng 30 triệu đồng, tuy nhiên đổi lại năm 2010 anh lại thu lãi lớn với việc nuôi thường xuyên 10 lợn nái, 1,7 mẫu ao và hàng trăm con gà. Duy trì nuôi như vậy mỗi năm anh xuất trên 1 tấn cá, vài chục đầu lợn và hàng nghìn trứng gà, hàng trăm con gà thương phẩm, nếu thuận giá sẽ thu lãi từ 60-70 triệu đồng/năm.

 

Theo lãnh đạo xã thì dù ở thời điểm nào các hộ chăn nuôi vẫn có mức thu nhập cao hơn so với cấy lúa. Những khó khăn các hộ gặp phải thường là tình trạng chung như vấn đề vốn, đầu ra sản phẩm và giá cả thị trường. Do đó nếu các hộ mạnh dạn đầu tư và biết vượt qua khó khăn nhất định sẽ thắng lợi. Trong thời gian tới Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chuyển đổi để tiếp tục thực hiện diện tích còn lại. Tuy nhiên địa phương cũng đề nghị các cấp nên có chính sách ưu đãi cho những hộ chuyển đổi để họ được tiếp cận với nguồn vốn vay lớn hơn của ngân hàng nhằm mở rộng quy mô, đưa chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.                    

Thu Thủy

  • Từ khóa