Thứ 2, 29/07/2024, 05:15[GMT+7]

Cánh đồng mẫu Ngô Xá cho vụ mùa bội thu

Thứ 4, 31/10/2012 | 15:05:04
4,673 lượt xem
Về thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) vào những ngày cuối tháng 9/2012 ta bắt gặp những hình ảnh ấn tượng về cánh đồng lúa mùa chín vàng trải rộng đều tăm tắp như trải thảm. Ðó là cánh đồng mẫu rộng 50 ha mà 360 hộ dân ở Ngô Xá đã đồng thuận từ việc dồn điền đổi thửa đến việc thống nhất cấy cùng giống, cùng trà, cùng chế độ chăm sóc… để tạo ra tấm “thảm vàng” như hiện nay.

Ảnh mang tính minh họa

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm HTX DVNN Nguyên Xá cho biết: Bà con nông dân rất phấn khởi trước vụ mùa bội thu, đây là vụ được các hộ dân trong thôn đánh giá là giống lúa chất lượng đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Ngô Xá là thôn đầu tiên trong huyện thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu, với kết quả bước đầu đạt được nơi đây đã trở thành hình mẫu cho các địa phương khác áp dụng vào sản xuất trong những vụ, năm tới.

 

Theo tiêu chí cánh đồng mẫu, quy mô diện tích tối thiểu phải 50 ha/ mô hình, có hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ theo quy chuẩn quy hoạch nông thôn mới và áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất ở mức cao nhất. Ðồng thời nông dân cần tự nguyện tham gia, chấp hành các quy định về hợp đồng sản xuất, kỹ thuật canh tác, như sử dụng 100% giống tốt, gieo cấy cùng loại giống, cùng thời vụ… Kết quả cuối cùng là phải cao hơn sản xuất cũ và giá trị sản xuất bình quân đạt 120 triệu đồng/ ha trở lên đối với cánh đồng. Ðây không phải vấn đề đơn giản khi thay đổi tập quán canh tác của người nông dân bao đời nay.

 

Trước đây, không chỉ ở Ngô Xá mà tình trạng chung ở nhiều địa phương là sản xuất tự cung, tự cấp. Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết: Mỗi mùa vụ bà con nông dân thường cấy nhiều giống khác nhau theo nhu cầu sử dụng của mỗi hộ, đồng thời sau khi thu hoạch thường tích trữ sản phẩm để ăn dần, hoặc bán ít một… Vì vậy, trước khi bắt tay vào thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu, Ngô Xá phải giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn. Cụ thể, khi chưa dồn điền đổi thửa bình quân có 3,5 thửa/ hộ; giao thông, thủy lợi nội đồng nhỏ hẹp rất khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất; mỗi vụ các hộ thường cấy 4-5 loại giống khác nhau, không cùng thời điểm, chế độ chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh không đồng nhất. Do đó, việc tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của những công việc trên được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các hội nghị thôn. Sau khi tư tưởng các hộ dân đã “thông”, thì việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được các hộ đồng tình khá cao, trong thời gian ngắn đã thực hiện xong, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,1 thửa; hệ thống bờ vùng, bờ thửa, giao thông, thủy lợi đào đắp khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi họp bàn xây dựng cánh đồng mẫu nhiều hộ dân đã không đồng tình, cho rằng cấy 1 giống nếu xảy ra mất mùa thì ai chịu trách nhiệm và sản phẩm làm ra tiêu thụ như thế nào? Ðược lý giải cặn kẽ về từng câu hỏi mà người dân quan tâm, như sản phẩm sẽ liên kết với công ty cung ứng giống thu mua, quy trình thâm canh có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật…

 

Ngoài ra, khi tham gia thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu các hộ dân sẽ được hỗ trợ về giống, cấp sổ nhật ký ghi chép, tập huấn kỹ thuật, sản phẩm được thu mua cao hơn so với giá thóc thịt ngoài thị trường. Với những lý lẽ thuyết phục và có nhiều lợi ích khi tham gia mô hình nên các hộ dân đã đồng tình hưởng ứng thực hiện. Vụ mùa 2012, Ngô Xá đã gieo cấy 50 ha bằng giống lúa thơm RVT, do Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương cung ứng. RVT có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ mùa 100 - 105 ngày; chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng năng suất đạt 70 - 75 tạ/ ha, cơm trắng mềm, đậm, có mùi thơm nhẹ. Việc chăm sóc, bảo vệ được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đứng ra đảm nhận. Mặc dù trước khi gieo cấy các hộ dân đã cam kết thực hiện theo đúng quy trình thâm canh, nhưng khi bắt tay vào chăm sóc, bảo vệ cánh đồng mẫu nhiều hộ dân chưa thực hiện theo yêu cầu, do tiết kiệm chi phí và chủ quan cho rằng không cần thiết…

 

Ðối với những hộ thực hiện nghiêm túc, lúa đã phát triển rất tốt, có sự chênh lệch hẳn so với diện tích không thực hiện phun thuốc kích thích sinh trưởng qua lá. Trước thực tế này, 100% số hộ đã làm theo mọi sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đề ra. Bà Nguyễn Thị Nga, thôn Ngô Xá cho biết: Trước đây gia đình thường cấy nhiều loại giống khác nhau, không cùng lịch thời vụ, chế độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thực hiện thành nhiều lần và không được thường xuyên, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng… Sau khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu, với diện tích 5 sào, bà thấy công việc nhàn đi nhiều, không phải lo mua giống ở đâu có chất lượng, làm đất, gặt đều có máy móc, công việc chăm sóc đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỷ mỷ; lúa thơm RVT ở vụ này rất tốt, nhiều hộ đạt 1,8 – 2 tạ/ sào.

 

Qua thực tế xây dựng cánh đồng mẫu ở Ngô Xá cho thấy, mặc dù chi phí tăng 10 nghìn đồng/ sào, nhưng năng suất đạt cao hơn 10 kg/ sào, tương đương 70 nghìn đồng/ sào. Về tiêu thụ sản phẩm, Công ty cổ phần giống Trung ương thu mua là 1kg thóc ở mô hình bằng 1,3 kg thóc thịt so với giá ngoài thị trường. Như vậy, khi thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu người nông dân được hưởng lợi khá nhiều so với hình thức sản xuất cũ, như có hệ thống thủy lợi tưới tiêu đồng bộ, máy móc thực hiện từ khâu làm đất đến gặt, giá sản phẩm cao và không lo về đầu ra…Cánh đồng mẫu ở Ngô Xá sẽ thực hiện sản xuất 3 vụ trong năm, gồm 2 vụ lúa, 1 vụ đông; dự kiến giá trị sản xuất đạt 129,7 triệu đồng/ ha/ năm, vượt 9,7 triệu đồng/ ha so với tiêu chí đề ra.

Nguyên Bình

  • Từ khóa