Thứ 2, 29/07/2024, 05:27[GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình VAC của chị Lại Thị Dựa

Thứ 6, 02/11/2012 | 10:13:25
4,212 lượt xem
Đến thôn Thành Long (xã Đông Hải, Tiền Hải) gặp bất cứ ai hỏi về chị Lại Thị Dựa, mọi người đều biết đó là một phụ nữ thuỳ mị, nết na, xinh tươi lại giỏi làm kinh tế.

Phát triển kinh tế VAC, nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định. Ảnh minh họa: Thành Tâm

Sinh năm 1972, học hết lớp 9 do hoàn cảnh gia đình, chị ở nhà tham gia lao động giúp bố mẹ. Sau khi xây dựng gia đình với anh Vũ Văn Đảng, trên mảnh đất quê thuần nông cái đói, cái nghèo bám riết anh chị. Rồi hai cậu con trai ra đời, đứa bé luôn ốm đau khiến “khó càng thêm khó”, chị Dựa đã trải qua nhiều nghề từ làm ruộng, máy xay xát, nuôi lợn... nhưng vẫn không đủ nuôi các con ăn học. Từng đêm trăn trở, hai vợ chồng vắt óc nghĩ suy để tìm ra lời giải. Qua thông tin trên báo, đài anh chị quyết định chọn mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC), đúng dịp chủ trương, đường lối của Đảng tạo cơ hội cho các hộ gia đình chuyển đổi diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2003, chị Dựa bàn với chồng mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích ruộng của gia đình đổi về vùng trũng và nhận khoán thêm của một số hộ gia đình với tổng diện tích 2,7 ha để làm mô hình VAC. Bước đầu gia đình chị gặp không ít khó khăn, thiếu vốn lại chưa có kinh nghiệm trong sản xuất. Được sự quan tâm của UBND xã và trực tiếp là Hội Phụ nữ xã đã tín chấp giúp chị vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, 100 triệu đồng Ngân hàng NN&PTNT. Với số tiền trên cộng với vay thêm của anh em, bạn bè, gia đình chị đầu tư đào ao, xây chuồng trại, mua vịt, lợn, cá giống. Sau khi đã có mô hình sản xuất tạo được một phần thu nhập, chị Dựa tiếp tục gây vịt đẻ và xây dựng lò ấp trứng để có con giống tái sản xuất.

Để khắc phục điểm yếu trong KHKT chị cùng chồng tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản do Hội Phụ nữ và Hợp tác xã nông nghiệp tổ chức. Ngoài ra, chị còn mua thêm tài liệu tham khảo, đi tham  quan thực tế tại một số trang trại của chị em phụ nữ đã có kinh nghiệm nhiều năm trong và ngoài tỉnh để học tập, áp dụng. Với diện tích trên, gia đình chị bố trí 2 ha nuôi các loại cá vược, cá trắm, cá trôi với số lượng khoảng 4.000 con/vụ. Nắm rõ nếu nuôi theo kiểu truyền thống chỉ cho ăn cỏ thì cá chậm lớn, nên chị áp dụng kiểu nuôi công nghiệp. Mỗi năm thu hoạch làm hai đợt, được 3,5 tấn cá thịt, bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 100 triệu đồng.

Con nuôi chủ công của gia đình là vịt thịt, chị nuôi thường xuyên từ 1.500 - 2.000 con, thời gian một lứa  từ 2 đến 3 tháng, trừ chi phí thu lãi 50 triệu đồng. Ngoài vịt thịt, 1.000 con vịt đẻ mỗi ngày cho 800 - 850 quả trứng, trừ chi phí lãi 150 triệu đồng/năm. Nhằm kiểm soát con giống, hạ giá thành, gia đình chị còn mở thêm lò ấp trứng, ngoài lượng giống phục vụ cho gia đình, chị Dựa còn cung ứng vịt giống, trứng vịt giống cho các hộ chăn nuôi trong huyện, trong tỉnh kết hợp sản xuất trứng vịt lộn cho các đại lý bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh, hàng năm trừ chi phí thu được 130 triệu đồng.

Ven bờ, chị Dựa trồng chuối tây, năng suất luôn cao gấp 1,5 lần so với các hộ khác, mỗi năm thu thêm được từ cây ăn quả, rau các loại 30 đến 40 triệu đồng. Trừ chi phí, tổng thu nhập hàng năm gia đình chị đạt gần 500 triệu đồng. Từ những kiến thức và kinh nghiệm bam đầu chị đang mở rộng sang nuôi thử nghiệm 50 lợn thịt và 9 con lợn nái. Các khâu, công đoạn đều được chị áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu xây dựng, vệ sinh chuồng trại, chọn con giống đến cách chăm sóc và phòng trừ bệnh. Đến nay đàn gia súc, gia cầm trang trại của chị không xảy ra dịch bệnh, phát triển tốt và không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Bà Nguyễn Thị Huê, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Hải cho biết, mô hình sản xuất VAC của gia đình chị Dựa thường xuyên tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/ tháng/ người. Cũng từ mô hình này, đời sống gia đình chị Dựa được cải thiện, xây được 200 m2 nhà ở cao tầng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt... Các khoản thu nhập được chị Dựa cân đối hợp lý cho chi tiêu gia đình, vốn tái sản xuất, trả lãi và một phần vốn vay ngân hàng theo quy định.

Mặc dù công việc gia đình rất bận mải, song chị luôn sắp xếp thời gian để tham gia sinh hoạt các phong trào do Hội phụ nữ đề ra. Chị luôn quan tâm và hỗ trợ động viên chị em trong chi hội phát triển kinh tế như  cho vay vốn, cho nợ tiền vịt giống đến khi thu hoạch không lấy lãi... Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, sống chan hòa với mọi người, hàng năm gia đình chị đều được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Năm 2010, chị Lại Thị Dựa được đi dự hội nghị nông dân làm kinh tế giỏi cấp huyện, năm 2011 chị được bầu là hội viên xuất sắc đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Tiền Hải.

Phan Anh

  • Từ khóa