Thứ 2, 29/07/2024, 05:25[GMT+7]

Nhiều doanh nghiệp ở Đông Hưng điêu đứng sau bão số 8

Thứ 6, 02/11/2012 | 15:40:31
1,493 lượt xem
Đông Hưng là huyện có nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau khi cơn bão số 8 đổ bộ. Theo thống kê của huyện, đã có 28 doanh nghiệp bị tốc mái, hư hỏng ảnh hưởng lớn tới sản phẩm, trong đó có 7 doanh nghiệp thiệt hại nặng tới trên 16 tỷ đồng. Ngay sau bão, những doanh nghiệp này đã nhanh chóng thu dọn nhà xưởng, khắc phục hậu quả để trở lại họat động sản xuất.

Công nhân công ty TNHH Minh Danh (Đông Hưng) huy động công nhân tháo dỡ khu nhà xưởng đang xây dựng gần hoàn thiện bị sập đổ hoàn toàn do bão gây ra. Ảnh: Ngọc Linh

Dọc tuyến Quốc lộ 39, sau 2 ngày cơn bão đi qua, nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn trong trạng thái, tan hoang, vật liệu ngổn ngang trên công trường, nhà xưởng. Các công nhân đang dồn sức tập trung thu dọn những chướng ngại vật và nhanh chóng chọn lọc những vật liệu còn có thể tận dụng từ những đống đổ nát; tận dụng những ánh nắng hanh yếu ớt của mùa thu để phơi hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm bị ướt do bão. Tất cả những hình ảnh đó đều là hậu quả của cơn bão số 8 càn quét chỉ trong một đêm, khiến nhiều doanh nghiệp, công ty không kịp trở tay.

Ông Bùi Văn Duyệt - Phó trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: mặc dù đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên về cơn bão số 8, tích cực tuyên truyền cho nhân dân, các cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp về những diễn biến của cơn bão để chủ động phòng chống và bảo đảm sản xuất; song do cơn bão đến nhanh và bất ngờ, sức gió quá mạnh khiến nhiều công ty chỉ biết đóng cửa ngậm ngùi để của cải theo gió cuốn đi. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do không còn nhà xưởng, không còn nguyên liệu. Trong 5 cụm công nghiệp của huyện, cụm công nghiệp Đông La bị thiệt hại nặng nhất với 11 công ty, doanh nghiệp. Theo ông Duyệt, hậu quả nghiêm trọng của bão gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ  tăng trưởng giá trị sản xuất CN – TTCN 3 tháng cuối năm. 

Phòng Công thương đã phối hợp với Ban quản lý dự án cụm công nghiệp, các đơn vị, ban, ngành trực tiếp xuống các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thống kê những thiệt hại, báo cáo với UBND huyện. Tham mưu cho tỉnh, huyện sớm tìm cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, kịp thời động viên khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả sớm trở lại sản xuất.

Chúng tôi tới Công ty TNHH Minh Danh chuyên sản xuất khung nhà thép tiền chế hiện đang thi công cho Công ty Hưng Cúc ở cụm công nghiệp Đông Xuân. Đây là một trong những công trình đã bị thiệt hại lớn nhất trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Trước mắt chúng tôi là 2 nhà xưởng bằng thép với diện tích trên 11.000m2 nguồn vốn trên 10 tỷ đồng đã bị bão làm sụp đổ hòan toàn. Công trình được thi công cách đây 3 tháng, hiện đã hòan thiện được trên 70% và dự kiến 15 ngày nữa sẽ bàn giao. Mặc dù có thể tận dụng lại vật liệu, nhưng ước tính thiệt hại lên tới trên 5 tỷ đồng và dự kiến sẽ mất trên 2 tháng công trình mới hoàn thiện.

Công nhân công ty cổ phẩn sản xuất và kinh doanh gạch Sông Diêm thu dọn bùn đất. Ảnh: Ngọc Trâm

Tới xã Đông Phong, ông Vũ Sơn Lâm - Giám đốc Công ty cổ phẩn sản xuất và kinh doanh gạch Sông Diêm cho biết: từ ngày công ty đi vào hoạt động chưa bao giờ phải chống chọi với cơn bão mạnh đến thế. Mặc dù trước đó đã biết đường đi của cơn bão đổ bộ thẳng vào Thái Bình nhưng lực bất tòng tâm do gió quá mạnh. Song, ông không nghĩ rằng công ty lại bị thiệt hại lớn đến vậy. 12.000m2 nhà xưởng bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn, trên 2 triệu viên gạch thành phẩm bị mủn nát thành bãi bùn hỗn độn, hàng trăm sản phẩm may mặc bị ướt. Theo ông Lâm, tính sơ bộ Công ty bị thiệt hại tới vài tỷ đồng, riêng tiền trả cho công nhân thu dọn 1.500 m3 bùn đất đã mất 300 triệu đồng. Nếu khắc phục tốt, dây chuyền sản xuất của Công ty vẫn bị chậm lại gần một tháng, giảm hàng chục triệu sản phẩm.     

Ngoài 2 công ty trên, huyện Đông Hưng còn nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại khá nặng nề như Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Đống Năm đã bị mất  500m2 mái nhà xưởng, 10.000m2 tấm nhựa, 3 triệu sản phẩm gạch bị ướt, dự tính thiệt hại 3 tỷ đồng; Xí nghiệp may Đại Đồng bị hư hỏng 700m2 nhà xưởng và nhà để xe, bị ướt 10.000 sản phẩm và 30.000m2 vải, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng; Công ty TNHH Thuận Khang (cụm công nghiệp Đông La) chuyên chế biến lượng thực  bị thiệt hại 240m2 mái tôn, ướt 300 tấn thóc và gạo.... Tất cả các doanh nghiệp bị thiệt hại này đang từng ngày, từng giờ khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, đồng thời mong muốn các cấp, các ngành kịp thời có cơ chế hỗ trợ để thêm động lực tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

                          Thu Thủy

  • Từ khóa