Thứ 2, 29/07/2024, 05:11[GMT+7]

Tiền Hải những ngày sau bão

Thứ 3, 06/11/2012 | 15:53:00
1,408 lượt xem
Cơn bão số 8 bất ngờ đổ bộ vào tỉnh để lại cho Tiền Hải hậu quả nặng nề. Giờ đây với người dân Tiền Hải cái tên Sơn Tinh không còn là vị thần biểu tượng chống lại thiên tai, lũ lụt nữa mà chỉ gợi nhớ đến như một hung thần. Đã qua hơn một tuần, khác với sinh hoạt của người dân khu vực thành phố đã có phở và cà phê sáng, những người dân và chính quyền nơi đây đang tất bật, gồng mình sau bão.

Chị Phan Thị Chanh đang nhặt các mảnh vỡ từ con tàu của gia đình

Tại xã Bắc Hải, một xã có truyền thống thâm canh của huyện nhưng trước khi bão đổ về xã mới gặt được 30% diện tích, còn 80 hecta chưa thu hoạch thiệt hại tới 80% năng suất, trong đó nhiều nhất là thôn Nam Trại 192/202 mẫu. Chúng tôi gặp đồng chí Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đang kiểm tra, chỉ đạo động viên các lực lượng đoàn viên, sinh viên về gặt giúp dân. Đồng chí cho biết, đã hai ngày nay 54 sinh viên Trường Cao đẳng Y Thái Bình và các đoàn viên của huyện tích cực tập trung tham gia khắc phục hậu quả bão cho Bắc Hải. Một điều đáng quý nữa thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” đó là mặc dù cũng bị thiệt hại nhưng 80  đoàn viên, thanh niên của huyện Kiến Xương đã tình nguyện sang giúp đỡ Tiền Hải. Khác với Bắc Hải, Vũ Lăng đã thu hoạch xong toàn bộ lúa mùa đang chuyển sang chăm sóc 150 ha cây vụ đông. Nhân dân trong xã còn phấn khởi vì đã đưa thêm một cây trồng mới là ớt xuất khẩu, gieo trồng tập trung tại cánh đồng mẫu lớn của thôn Trưng Vương.

 

Đến ngày 25/10, cánh đồng ớt xuất khẩu tập trung đã bắt đầu ra hoa, kết trái khá sai. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, phút chốc trong đêm 28/10 toàn bộ cây trồng vụ đông của xã gồm bí xanh 70 ha,  20 ha khoai tây, 0,63 ha ớt, còn lại là dưa hấu, dưa lê và các loại rau đậu bị “gửi gió theo mây ngàn bay”. Chủ tịch UBND xã Lê Duy Nguyên cho biết, hiện xã đang cân đối lại lịch thời vụ để bổ trí trồng khoai tây ưa lạnh, khôi phục vụ đông chủ lực bằng các loại rau.

 

Rời Vũ Lăng, chúng tôi đến Nam Thịnh, một xã tiềm năng nhất huyện về thủy hải sản. Cũng chính vì điều này mà Nam Thịnh gặp khó khăn về nhân lực cứu lúa bị ngập úng do nhân dân quan tâm đến tài sản lớn hơn là thủy sản nuôi thả trong đầm, bãi. Rất may xã nhận được sự hỗ trợ từ Công an tỉnh cử 125 cán bộ, chiến sỹ về gặt giúp. Khi vào trụ sở UBND đúng lúc trưa, chúng tôi gặp toàn bộ lực lượng đang dùng cơm hộp do phòng hậu cần Công an tỉnh chuẩn bị sẵn tại hành lang, tiền sảnh. “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, họ thật đúng là vì dân phục vụ, không phiền dân, một nghĩa cử làm ấm lòng dân sau bão. Theo tin từ Phòng nông nghiệp huyện, không chỉ Nam Thịnh mà tại 3 xã khác, hơn 200 CBCS lực lượng Công an đã gặt giúp các hộ gia đình chính sách, neo đơn, già cả trên 35 ha lúa bị ngập úng.

 

Chúng tôi gặp chị Phan Thị Chanh, xóm 2, thôn Đồng Lạc đang nhặt nhạnh từng mảnh vỡ từ con tàu của gia đình tại bến cá Nam Thịnh. Với khuôn mặt đờ đẫn chưa hết nỗi kinh hoàng chị kể, gia đình không có ruộng, vay mượn đóng được con tàu 60 triệu nay cái “cần câu cơm’ duy nhất bị Sơn Tinh cướp đi. Nhà có 4 khẩu, ngân hàng không cho vay nữa còn cả làng giờ tài sản đều nằm ở bãi ngao, cũng đều thiệt hại cả chẳng biết vay ai, tương lai chưa biết bấu víu vào đâu. Chỉ vào mấy con tàu mắc cạn đang thuê máy xúc, máy cẩu để hạ thủy, chị nói thêm, họ tuy không bị hỏng tàu nhưng cũng khổ lắm. Mấy hôm đầu giá thuê cứu mắc cạn 4 triệu/tàu, xã can thiệp mãi giờ còn 2,5 triệu/tàu, các chủ tàu đều đi vay “nóng” tiền để trả...

 

Giám đốc Công ty giống thủy sản Hải Long Trương Quốc Trị chia sẻ, công ty của anh thiệt hại không lớn, chỉ hỏng một lứa cá bột sủ sao khoảng 11 triệu đồng nhưng đối với các hộ nuôi thủy sản ở Nam Thịnh thiệt hại rất lớn. Kỹ sư Phạm Văn Vang, phó phòng NN & PTNT huyện cho biết, toàn huyện có hơn 3.600 ha (1.380ha nuôi ngao, 1.923 nuôi nước lợ và 300ha nuôi nước ngọt) nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại, phần đông thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng/ hộ, cá biệt có hộ như hộ ông Trần Văn Hoan (xã Nam Thịnh) thiệt hại lên tới gần 6 tỷ đồng. Có lẽ sự hoang tàn sau bão được thể hiện rõ nét nhất ở khu du lịch sinh thái cồn Vành. Chẳng còn những rừng thông, rừng phi lao xanh mướt, mà thay vào đó ngổn ngang cây gãy, cây đổ. Trừ nhà hàng Quang Thạo, 4 nhà hàng còn lại đều bị xóa sổ. Nhà hàng “ Biển Nhớ” có diện tích 320 m2 được đầu tư hơn 360 triệu đồng mới được hơn 1 năm, nay chỉ còn đống đổ nát. Anh Quyết, chủ hộ đang thu dọn từng cây tre, nứa để chờ xây dựng lại khi huyện có quy hoạch cụ thể. Còn Ban quản lý và UBND xã đang tổ chức rào khu vực cây đổ, gãy đề phòng hỏa hoạn do đang là mùa khô.

 

Ông Trần Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã nói, huyện đã chỉ đạo cây gãy ít chỉ cưa cắt để cây tự nảy chồi, đồng thời trồng mới diện tích trống do cây chết. Trở về trụ sở UBND huyện Tiền Hải, những cánh đồng lúa đổ rạp ngập nước; những cây vụ đông tơ tướp; gia súc, gia cầm chết như ngả rạ; nhà cửa, trường học, cột điện đổ gãy, sập... được thể hiện qua số liệu thống kê toàn huyện đã bị bão Sơn Tinh cướp đi 1.110 tỷ đồng. Dù không muốn nhưng những con số thiệt hại vẫn hiển hiện trước mắt chúng tôi: khối dân cư 370 tỷ; khối cơ quan, đơn vị 60 tỷ; khu công nghiệp 154 tỷ; ngành nông nghiệp 456 tỷ và ngành công nghiệp 70 tỷ đồng.

 

Cũng đã qua nhiều ngày tôi mới có dịp trò chuyện cùng với Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bái, mặc dù đôi lần tôi gặp anh ngồi chợp mắt trên ghế của Phòng nông nghiệp huyện. Cùng với Huyện ủy, các ban, ngành, đoàn thể... vị Chủ tịch huyện tất bật như con thoi chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão. Nào là cứu lúa, tiêu nước sản xuất vụ đông, kiểm đếm thiệt hại thủy sản, phục hồi trang trại, gia trại, nào là liên hệ cấp điện, cấp nước, nối thông tin liên lạc. Rồi thì lo phòng học cho học sinh do bị đổ, sập, đường tắc, kè sập, đảm bảo an ninh trật tự, động viên doanh nghiệp, giúp đỡ gia đình chính sách, có công... Sức người có hạn mà trăm việc bộn bề từ trước và trong bão. Đồng chí Chủ tịch huyện tâm sự, qua cơn bão mới có thể đánh giá hết cái tâm và năng lực của cán bộ, đảng viên, hiện huyện chỉ đạo tập trung cao độ khắc phục hậu quả của bão số 8, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân với tinh thần “nhân dân là tất cả, là trên hết”.

 

Đối với bão Sơn Tinh, những giả định kiểu giá như dự báo chính xác, kịp thời; nếu như nhân dân và một bộ phận cán bộ không lơ là, chủ quan... không còn giá trị mà chỉ còn là một bài học kinh nghiệm cho công tác PCLB. Hậu quả của cơn bão tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tầm quan trọng của công tác PCLB, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường. Chắc rằng rồi đây người dân Tiền Hải sẽ không còn phải để cơ quan chức năng đi tìm “bắt” do trốn ở lại ngoài đầm, bãi, ngoài đê biển. Cũng không còn một số cán bộ, đảng viên ở một số xã đi nghe phổ biến và về triển khai đề án PCLB theo kiểu trách nhiệm, hình thức... Chia tay với Tiền Hải, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh, đoàn viên đang thu dọn, vệ sinh đường phố... Thị trấn Tiền Hải đang dần trở lại nhịp sống bình thường và bầu trời dường như trong sáng hơn.

            Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa