Thứ 3, 30/07/2024, 01:25[GMT+7]

Thái Thụy Giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng hạ tầng

Thứ 4, 25/08/2010 | 07:28:38
2,015 lượt xem
5 năm 2005-2010, Thái Thụy đã tập trung khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Trường mầm non xã Thụy Hải - Thái Thụy đang được đầu tư xây dựng mới.

Tổng giá trị xây dựng cơ bản (XDCB) đạt 703 tỷ đồng, tăng bình quân 19,6%/năm; riêng năm 2010 ước đạt 201 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2005.

Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng như: đường Vô Hối-Diêm Điền, trường THCS chất lượng cao, trường mầm non Tháng 8, khu thu gom xử lý rác thải, hạ tầng khu dân cư hồ Thanh Xuân, nhà văn hoá thiếu nhi, trụ sở UBND huyện. Các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cấp trên, vốn WB, vốn tín dụng ưu đãi, vốn trái phiếu Chính phủ cũng được tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả. Có các nguồn vốn trên, kết hợp vốn đối ứng, các địa phương đã xây dựng được 39 trường mầm non, 23 trường THCS và Tiểu học với 311 phòng học, 13 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia, 6 xã xây dựng trụ sở làm việc khang trang.

Ngoài ra, Thái Thụy còn đầu tư xây dựng, nâng cấp được 32 km đường giao thông huyện, 64,5 km đường giao thông thôn xã, 44 km đê điều, kiên cố 31 km kênh mương. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các BQL dự án của tỉnh tích cực, chủ động làm tốt công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng đúng tiến độ các công trình: nâng cấp Quốc lộ 37, cống Trà Linh, dự án REII nâng cấp lưới điện hạ áp ở 9 xã. Đặc biệt, đã giải phóng mặt bằng diện tích trên 300 ha xây dựng các công trình Trung tâm điện lực Thái Bình. Khu neo đậu tàu thuyền tránh bão đúng tiến độ tại xã Mỹ Lộc, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào huyện trong những năm tới.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, 5 năm qua, Thái Thụy đã triển khai lập và hoàn thành quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thái Ninh; quy hoạch cụm công nghiệp Thụy Hà, cụm công nghiệp Mỹ Xuyên, Thái Thọ; điểm công nghiệp Thái Dương, Thụy Quỳnh, Thái Thuỷ; quy hoạch chi tiết khu dân cư hồ Thanh Xuân, khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. Hiện tại,  đang tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển KT-XH thị trấn Diêm Điền và vùng phụ cận, lấy đó làm cơ sở triển khai quy hoạch chung xây dựng thị trấn Diêm Điền theo tiêu chí đô thị loại IV giai đoạn 2010-2020. 5 năm qua, tại 48 xã thị trấn đã quy hoạch được 230 điểm dân cư nông thôn với diện tích 31 ha, tạo nguồn vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, từ năm 2009,  Thái Thụy đã triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trong huyện làm định hướng  và điều kiện xây dựng phát triển  nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH.

Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị XDCB đạt 535 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,74%. Nhiều mục tiêu XDCB quan trọng được đặt ra, nhưng trước mắt huyện sẽ huy động các nguồn vốn từng bước triển khai đầu tư xây dựng hệ thống các công trình: đường ra Cồn Đen, Trung tâm hội nghị, khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh; hạ tầng  các khu, cụm, điểm công nghiệp đã quy hoạch. Nâng cấp các tuyến đường huyện và đường xã, từng bước làm đường ra đồng. Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu kiên cố hoá trường học, trạm y tế theo tiêu chí chuẩn Quốc gia. Cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, hạ tầng kỹ thuật sản xuất nông-công-ngư nghiệp. Phối hợp với BQL dự án các cấp làm tốt công tác GPMB hoàn thành xây dựng các công trình quy mô lớn: Trung tâm điện lực, đường 39B, cầu Diêm Điền,  Quốc lộ 37...

Giải pháp đặt ra là làm tốt công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch cả ngắn và dài hạn,  gắn quy hoạch với kế hoạch đầu tư phát triển ở từng xã trên phạm vi toàn huyện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, thực hiện phân cấp quản lý cho các cơ sở theo hướng nâng cao chế độ, trách nhiệm của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và UBND các xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, công khai quá trình đầu tư để nhân dân, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Thực tế hiện nay ở các xã, thị trấn, nguồn vốn tạo ra từ đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng chiếm tỷ trọng lớn cho đầu tư phát triển, có xã chiếm tới 70 - 80% vốn đối ứng công trình. Vì thế, huyện cần tổ chức thật tốt việc phát triển quỹ đất, đẩy mạnh tổ chức đấu giá chuyển quyền sử dụng đất.

Cả xã và huyện cần tranh thủ khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, từ chương trình tài trợ WB, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn xoá đói, giảm nghèo, các  nguồn vốn phi chính phủ khác để đầu tư phát triển. Đối với các công trình đầu tư sản xuất, tạo mọi điều kiện thực hiện các chính sách ưu đãi về thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, thuế, giá thuê đất... để thu hút doanh nghiệp, các nhà đầu tư  vào các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy KT- XH phát triển.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa