Thứ 7, 27/04/2024, 20:09[GMT+7]

Hiệu quả mô hình chăn nuôi tập trung ở Quỳnh Hội

Thứ 5, 08/11/2012 | 15:40:42
2,999 lượt xem
Với lợi nhuận thu được khá hấp dẫn và phòng được dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa ở Quỳnh Hội đang thu hút sự chú ý của nhiều người dân nơi đây.

Trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC của anh Nguyễn Quốc Toản, thôn Tân Hóa (Quỳnh Phụ)

Quỳnh Hội từ lâu đã nổi tiếng là xã thâm canh lúa, luân canh tăng vụ của huyện Quỳnh Phụ, nhưng Quỳnh Hội vẫn là một xã thuần nông, độc canh cây lúa. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, cùng với đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2001, xã Quỳnh Hội đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyển đổi trên 15 ha cấy lúa năng suất thấp sang xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại.

 

Thời gian đầu khi triển khai mô hình, từ chính quyền xã đến các hộ chăn nuôi đều gặp rất nhiều khó khăn do đất đai manh mún, nhỏ lẻ, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi theo hướng tập trung, hơn nữa xuất phát điểm là một xã thuần nông nên nguồn vốn đầu tư của bà con còn ít, việc vay vốn ngân hàng cũng gặp khó khăn vì bà con không đủ tài sản thế chấp. Nhưng với sự quyết tâm vào cuộc, sự chỉ đạo điều hành năng động, sáng tạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, Quỳnh Hội đã khắc phục được mọi khó khăn, thực hiện thành công Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại, coi đây là định hướng, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ theo hướng nuôi nhốt, nuôi tập trung được hình thành, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Ông Nguyễn Đức Dần, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có 120 trang trại, gia trại, trong đó gần 20 trang trại lớn, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Để giúp các trang trại, gia trại phát triển hiệu quả, hàng năm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể chính trị thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho bà con nông dân; hỗ trợ phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm.... Sau gần 10 năm chuyển đổi, đến nay các mô hình chăn nuôi tổng hợp ở Quỳnh Hội đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Mỗi gia trại, trang trại chăn nuôi vài chục đến vài trăm con lợn, hàng ngàn con gia cầm, lợi nhuận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.

 

Theo chân cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Quốc Toản, thôn Tân Hóa- một trong những trang trại có quy mô lớn của địa phương, trang trại của gia đình anh cách khu dân cư gần một ki-lô-mét. Sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, năm 2005 anh Toản đã mạnh dạn làm đơn nhận thầu để thả cá kết hợp với nuôi lợn và gà thịt. Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm anh chủ yêu thả cá và nuôi vài chục con lợn thịt. Dần dần tích luỹ được chút vốn cộng với nguồn vốn vay của ngân hàng anh bắt tay vào cải tạo, đắp bờ quy hoạch vùng nuôi. Bước đầu anh nuôi 30 con lợn, 200 con gà, 100 con ngan. Sau khi tích lũy được vốn, anh mở rộng quy mô chuồng trại. Bước vào khu chăn nuôi lợn, chúng tôi đã choáng ngợp bởi một không gian sạch sẽ và thoáng đãng, nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức 270-280C, hàng trăm con lợn, con nào cũng sạch sẽ.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Toản cho biết kinh nghiệm của mình: tôi luôn đặt vấn đề phòng trừ dịch bệnh cho lợn lên hàng đầu, tiến hành tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Hàng ngày phải thu phân, dọn chuồng, tắm rửa cho lợn, vệ sinh máng ăn uống, định kỳ phun thuốc sát trùng 1 tuần/lần, tổng vệ sinh hệ thống thoát nước, xử lý bằng vôi bột hoặc phun hoá chất xung quanh khu vục chăn nuôi. Toàn bộ nước thải được đưa vào bể biogas để xử lý mầm bệnh, chất ô nhiễm, tận dụng khí gas để làm chất đốt sưởi ấm cho lợn. Hiện tại gia đình anh nuôi khoảng 100 con lợn nái ngoại, 150 con lợn thịt, trên 2.000 con gà và gần 1 ha đào ao thả cá. Lợi nhuận năm 2011 đạt trên 1 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012 do giá lợn thịt giảm mạnh, nhưng anh vẫn thu lãi trên 500 triệu đồng từ lợn nái đẻ và các loại cá truyền thống.

 

Với lợi nhuận thu được khá hấp dẫn và phòng được dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đang thu hút sự chú ý của nhiều người dân nơi đây. Từ những thành công này, Đảng uỷ, chính quyền xã đang triển khai mở rộng vùng chăn nuôi tập trung tại thôn Đông Xá, Tân Hóa với diện tích 11,2 ha úng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi lợn nái ngoại kết hợp đào ao thả cá. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để các chủ trang trại vay vốn từ các tổ chức tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất.

                  Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa