Thứ 2, 29/07/2024, 05:19[GMT+7]

UBND tỉnh Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 5, 08/11/2012 | 16:24:12
1,206 lượt xem
*Ngày 7 - 8/11/ 2012, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Công Thương báo cáo kế hoạch, tiến độ tổ chức Hội chợ Nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ năm 2012 và dự án quy hoạch mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012- 2015, định hướng đến năm 2020.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trục UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp nghe Sở Công Thương báo cáo kế hoạch tổ chức Hội chợ

*Theo kế hoạch, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ sẽ diễn ra từ ngày 14- 19/ 11/ 2012 tại Quảng trường 14/ 10 (Thành phố Thái Bình). Dự kiến quy mô Hội chợ khoảng 500 gian hàng của gần 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Hội chợ còn bố trí khu triển lãm thành tựu KT- XH của các huyện và thành phố; khu sinh vật cảnh với quy mô khoảng 800 tác phẩm; trong thời gian diễn ra Hội chợ còn có các lớp tập huấn, hội thảo khoa học, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan...

Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị đang được triển khai tích cực như: Hoàn thiện thiết kế tổng thể; giàn dựng cổng ra vào, nhà tiền chế, gian hàng, sân khấu; vận động được 474 gian hàng, trong đó có trên 200 gian hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 12/ 14 tỉnh trong khu vực có doanh nghiệp tham gia Hội chợ…

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Ca - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh biểu dương, đánh giá cao sự chuẩn bị của ngành Công Thương và sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp liên quan. Đồng thời, nhấn mạnh việc tổ chức Hội chợ là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành. Thời gian đến ngày khai mạc Hội chợ còn rất ngắn vì vậy ngành Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất khâu chuẩn bị, chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt không để xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong khu vực Hội chợ; nghiêm cấm các hoạt động bán hàng rong, đánh bạc trá hình, tự ý nâng giá vé trông giữ xe…

*Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 10 nhãn hiệu LPG như Việt Xô Gas, Hưng Long Petro, Hà Nội Prtrro, Đài Hải Petro, Gas Petrolimex…với khoảng 502 cửa hàng bán lẻ, trong đó có 34 cửa hàng chuyên doanh ga. Sản lượng ga tiêu thụ năm 2011 ước đạt gần 6.500 tấn, gấp hơn 2 lần so với năm 2006. Số lao động tham gia kinh doanh mặt hàng ga hiện có khoảng 600 người, trong đó 422 người đã được cấp chứng chỉ nghiệp vụ kinh doanh khí hoá lỏng…

Dự báo đến năm 2015, sản lượng tiêu thụ LPG toàn tỉnh khoảng 11.824- 12.122 tấn và đến năm 2020 tăng lên 13.250- 19.130 tấn. Theo đó trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 16 trạm chiết nạp ga, 6 kho chứa, 60 cửa hàng chuyên doanh ga và sẽ tăng lên 84 cửa hàng vào năm 2020. Ngoài ra, thời gian tới cũng sẽ từng bước xây dựng hệ thống đường ống bán ga cho các khu công nghiệp và một số khu đô thị, đồng thời quy hoạch một số trạm bán LPG cho ô tô trên các tuyến giao thông chính…

Sau khi nghe đại diện các sở, ngành, địa phương tham gia góp ý, đồng chí Phạm Văn Ca yêu cầu đơn vị tư vấn cần rà soát lại quy hoạch chung của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới kinh doanh LPG cho phù hợp. Chú trọng khâu dự báo, ưu tiên phát triển hình thức bán ga qua hệ thống đường ống cho các khu đô thị mới hình thành và các khu- cụm CN sử dụng nhiều nhiên liệu. Hạn chế việc phát triển quá nhiều các điểm chiết nạp, không nên khống chế các điểm bán ga làm nhiên liệu cho ô tô, khuyến khích các trạm xăng hiện có mở thêm dịch vụ bán ga cho ô tô vì đây là nhiên liệu sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Việc quy hoạch kho chứa phải phù hợp với điều kiện kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông và quy hoạch đất đai. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp để bổ sung, chỉnh sửa lại quy hoạch cho phù hợp.       

 Tin, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa