Thứ 2, 29/07/2024, 05:16[GMT+7]

Thái Thụy Nỗ lực khắc phục thiệt hại về cây vụ đông

Thứ 6, 09/11/2012 | 15:46:11
1,418 lượt xem
Những ngày qua, bà con nông dân Thái Thụy đã tích cực xuống đồng chăm sóc những cây còn sống sót, trồng mới những diện tích cây vụ đông đã chết với hy vọng khắc phục một phần hậu quả sau bão.

Nhờ nỗ lực của nông dân xã Thái Nguyên (Thái Thụy), những diện tích hành tỏi bị tàn phá sau bão giờ màu xanh đã hồi sinh

Cơn bão số 8 đổ bộ vào chiều và đêm ngày 28/10 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh của huyện Thái Thụy, trong đó 4.000 ha cây vụ đông ưa ấm đã trồng được hơn 1 tháng lên xanh tốt bị dập nát và gần như mất trắng hoàn toàn. Những ngày qua, bà con nông dân đã tích cực xuống đồng chăm sóc những cây còn sống sót, trồng mới những diện tích cây vụ đông đã chết với hy vọng khắc phục một phần  hậu quả sau bão.

 

Đầu giờ chiều ngày 6/11, có mặt trên cánh đồng thôn Bích Đoài (xã Thái Nguyên) chúng tôi đã thấy hàng trăm nông dân đang tất bật với các công việc: gánh nước tưới cây, xáo xới, nhặt cỏ trên những diện tích cây vụ đông bị bão tàn phá hơn một tuần trước đó. Chị Lê Thị Mão xót xa kể lại: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng gần 2 sào ớt, khoai tây, hành tỏi. Sớm tối ở trên đồng, tốn biết bao công chăm sóc, chưa kể mấy triệu đầu tư tiền giống, phân bón vậy mà chỉ sau một đêm ớt, khoai tây chết không còn một cây nào, hành tỏi bị dập nát. Tiếc công, xót của, mấy ngày nay tôi tập trung xáo xới, tưới nước, chăm sóc diện tích hành còn sống sót, lấy giống khoai tây và giống rau nhà nước hỗ trợ về trồng thay thế diện tích đã chết với hy vọng thu nhập bằng nửa vụ đông năm ngoái cũng là may lắm rồi”.

 

Ông Nguyễn Bá Thinh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Bích (Thái Nguyên) cho biết: năm 2012, xã Thái Nguyên gieo trồng 205 ha cây vụ đông gồm: hành tỏi, khoai tây, khoai lang, ngô, ớt, sa lát, dưa bí và rau màu các loại, riêng Hà Bích trồng 68 ha. Sau 1 tháng, cây nào cũng sinh trưởng và phát triển tốt, màu xanh phủ kín đồng. Nhưng bão quật, nước dâng đã làm toàn bộ diện tích ngô, khoai tây, ớt, sa lát bị xóa sổ, còn hành tỏi bà con nỗ lực khôi phục nên cũng chỉ thiệt hại khoảng 30%.

 

Để khắc phục hậu quả, sau bão các HTX trên địa bàn tập trung tiêu úng, hướng dẫn nông dân chăm sóc những cây trồng còn sống sót, đồng thời lấy 32 tấn khoai tây tỉnh, huyện hỗ trợ về cấp cho xã viên trồng thay thế những diện tích cây đã chết do bão. Chỉ trong 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7, khoai tây đã được nông dân Thái Nguyên trồng kín đồng, hành tỏi, khoai lang, ngô còn sống sót đã hồi xanh, nông dân ai cũng phấn khởi. Ông Thinh cũng khẳng định: “Dù mất thêm công, thu nhập cũng sẽ giảm đi vài phần nhưng khả năng Thái Nguyên sẽ trồng kín diện tích cây vụ đông đã bị thiệt hại, thậm chí chăm sóc tốt sau khi thu hoạch vẫn kịp thời vụ trồng thuốc lào xuân. Mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay là đến khi thu hoạch tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản ổn định, không phải lo bán lẻ và bị tư thương ép giá”.

 

Rời Thái Nguyên, chúng tôi sang Thụy Bình, địa phương cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 8 gây ra. Gần 140 ha cây vụ đông mà chủ yếu là dưa, bí, ớt đã ra hoa, đậu quả gần như bị hỏng hoàn toàn. Trên cánh đồng thôn An Ninh, ông Nguyễn Văn Sơ năm nay đã 76 tuổi cùng vợ gần 70 tuổi vẫn miệt mài cuốc đất, ủ rạ vun từng cây ớt còn sống sót. Ông chia sẻ: “Sáng 29/10 ra thăm đồng nhìn nước ngập qua luống tưởng như 3,5 sào ớt, bí nhà tôi mất trắng nhưng sau khi tháo nước may mắn vẫn cứu được một ít ớt, nếu tập trung chăm sóc chắc vài ngày nữa cây cũng sẽ ra chồi mới lên xanh. Còn những diện tích bí đã chết, tôi đã mua ớt con về trồng được 1 tuần rồi, nay đã bén rễ”.

 

Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Bình Bùi Ngọc Vư cho biết: HTX đã lấy 9 tấn khoai tây, 14kg hạt rau về phát cho bà con để trồng thay thế những diện tích cây đã chết. Đối với những cây dưa, bí, ớt còn sống sót thì hướng dẫn cuốc đất, vun gốc, phun phân bón qua lá để cây nảy mầm nhanh, thu hoạch quả nhánh. Xã cũng đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng khoai tây, cung ứng đủ nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức trả chậm để khuyến khích nông dân khắc phục thiệt hại.

 

Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: ngay sau khi bão số 8 tan, huyện quyết liệt thực hiện các biện pháp tiêu úng cứu cây vụ đông. Chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thống kê, phân loại mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục; đồng thời cử cán bộ trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây màu hoặc trồng lại, trồng mới những loại cây còn thời vụ. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục thiệt hại của tỉnh, huyện đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha khoai tây, riêng giống khoai tây giống Anlantic hỗ trợ 3,33 triệu đồng/ha và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; mỗi sào salat hỗ trợ 60 ngàn đồng tiền giống, củ cải xuất khẩu hỗ trợ 20 ngàn đồng/sào. Đến thời điểm này, huyện đã kịp thời cung ứng nguồn giống khoai tây hỗ trợ cộng thêm giống tự để của nhân dân trồng được 450 ha khoai tây, cấp 700kg giống rau để bà con gieo trồng. Thời vụ còn lại, Thái Thụy khuyến khích các xã mở rộng diện tích sa lát, củ cải xuất khẩu vì 2 loại cây này thời gian sinh trưởng ngắn. Hiện tại, 2 công ty Thái Dương và Vạn Đạt đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sa lát với giá 4.500 đồng/kg nên nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất.

 

Không chỉ có Thái Nguyên, Thụy Bình, thời điểm này nông dân nhiều xã ở Thái Thụy đã gác mọi công việc nhà, ra đồng tập trung khôi phục lại sản xuất. Hơn 1 tuần sau khi cơn bão quét qua, màu xanh trên các cánh đồng cũng đã dần trở lại, nhiều giống cây mới gieo đã bật mầm ra khỏi mặt đất. Mặc dù năm 2012, khả năng không đạt được mục tiêu gieo trồng từ 5.000 đến 5.500 ha cây vụ đông, thu nhập cũng sẽ giảm phần đáng kể nhưng với những gì nông dân Thái Thụy mất mát, rồi cố gắng, nỗ lực để vượt qua thiên tai đã là điều đáng quý và cần ghi nhận.

     Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa