Thứ 7, 27/07/2024, 06:16[GMT+7]

Giáo dân thôn Tân Tích Tích cực trồng cây vụ đông

Thứ 6, 07/12/2012 | 09:35:11
1,728 lượt xem
Không chỉ trồng cây rau màu vụ đông, ở thôn Tân Tích còn có truyền thống trồng rau muống đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn thôn có khoảng 5-7 mẫu chuyên canh rau muống. Một năm người dân nơi đây thu hoạch loại rau này trong 9 tháng, thu nhập tới vài chục triệu đồng/sào.

Giáo dân thôn Tân Tích (Ðông Xá - Ðông Hưng) chăm sóc cây rau màu vụ đông.

Những năm trước đây, thôn Tân Tích, xã Ðông Xá (Ðông Hưng) từng nổi tiếng với cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha. Phát huy những thành tích đó, người dân nơi đây đã bám đất bám đồng duy trì gieo trồng hàng chục héc ta cây rau màu các loại, đưa giá trị thu nhập lên tới 100 triệu đồng/ha. Từ mô hình này đã giúp đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Ðiều đáng mừng là thôn Tân Tích có tới 75% dân số là giáo dân nhưng họ luôn hăng hái phát triển kinh tế hộ ngay trên chính mảnh ruộng của mình.

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Phó chủ nhiệm HTXDVNN xã cho biết: Ðông Xá là địa phương có truyền thống gieo trồng cây vụ đông từ hàng chục năm nay, trong đó thôn Tân Tích nổi tiếng về cây rau màu các loại như su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua đem lại năng suất cũng như giá trị thu nhập cao. Từ năm 2003, thôn Tân Tích đã quy hoạch được 2 cánh đồng rau màu các loại với diện tích 12,5ha và 8,5ha. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây người dân đã nắm bắt được xu hướng thị trường mở rộng thêm diện tích gieo trồng, bình quân diện tích mở rộng hàng năm lên tới 37-38ha.

Ðặc biệt, nông dân đã tiếp thu nhiều giống cây trồng mới như súp lơ xanh, súp lơ tím cho giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với súp lơ trắng. Ngoài ra, đa số các hộ còn trồng su hào, bắp cải, súp lơ sớm để có quỹ đất xoay vòng trồng 2 lứa/vụ. Ðể làm được điều này, các hộ thực hiện gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày, giành quỹ đất để gieo trồng cây vụ đông. Cứ đến thời vụ, khoảng 10 người sang Hải Dương mua giống cho cả thôn, nhà nào cũng trồng vài sào rau màu, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi bình quân 3 triệu đồng/sào.

Ông Hoàng Văn Thái - Bí thư chi bộ thôn Tân Tích cho biết: nhiều năm nay các hộ dân trong thôn có mức thu nhập khá từ cây vụ đông. Xác định là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao nên hàng năm thôn đã kết hợp với HTX tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, thu hút 40-50 người tham gia. Toàn thôn có 306 hộ thì có tới 80% số hộ tham gia trồng cây vụ đông. Riêng vụ đông năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, 100% diện tích gieo trồng trước bão đã bị chết nhưng người dân vẫn không nản lòng, không chờ vào cơ chế hỗ trợ của cấp trên, nhà nào nhà ấy thu dọn đồng ruộng, mua giống gieo trồng lại.

Vì thế chỉ sau một tuần, trên cánh đồng của thôn không còn nhìn thấy hậu quả của bão bởi các loại rau màu đã được phủ kín và bắt đầu lên xanh. Nhiều hộ hàng năm duy trì trồng từ 1-2 mẫu cho thu nhập vài chục triệu đồng như hộ chị Ðức Thị Mến, ông Phạm Ðình Hùng. Tính bình quân một sào súp lơ cho thu nhập ít nhất 4 triệu đồng, một sào cà chua, bắp cải hoặc su hào cho thu nhập 3 triệu đồng. Nhiều hộ còn linh hoạt gieo trồng sớm cho thu nhập tới 7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với vụ đại trà. Chị Nguyễn Thị Nhung vừa làm vừa cho biết: năm nào chị cũng trồng 5-6 sào rau màu các loại, nếu như mọi năm thời điểm này chị đã chuẩn bị thu hoạch lứa đầu vụ nhưng năm nay do bão nên đã phải trồng lại hoàn toàn 6 sào, trong đó 5 sào súp lơ, su hào, bắp cải và 1 sào khoai tây. Tính chi phí bình quân chị phải bỏ ra 700.000 đồng/sào nhưng chỉ sau hơn 2 tháng chị thu về vài triệu đồng/sào. Cũng giống như chị Nhung, hơn 20 năm nay chị Nguyễn Thị Loan đều trồng 6 sào su hào, bắp cải và khoai tây. Những năm trước đây, trừ chi phí chị thường thu lãi 7 - 8 triệu đồng từ cây vụ đông. Bởi vậy mặc dù vụ đông này đã bị thiệt hại hoàn toàn do bão nhưng chị vẫn tiếp tục đầu tư vốn trồng lại đủ diện tích cho kịp thời vụ. Với mức thu nhập từ cây vụ đông đã phần nào giúp chị nâng cao được cuộc sống gia đình.   

Không chỉ trồng cây rau màu vụ đông, ở thôn Tân Tích còn có truyền thống trồng rau muống đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn thôn có khoảng 5-7 mẫu chuyên canh rau muống. Một năm người dân nơi đây thu hoạch loại rau này trong 9 tháng, thu nhập tới vài chục triệu đồng/sào như hộ ông Ðào Văn Oánh, Phạm Ðình Hùng... Từ phong trào trồng cây vụ đông, những giáo dân trong thôn đã có mức thu nhập khá. Hiện tại thôn chỉ còn 6,92% hộ nghèo, nhà mái bằng, cao tầng chiếm tới trên 70%.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa