Thứ 6, 29/03/2024, 16:00[GMT+7]

Làng nghề bắt nhịp kinh tế thị trường

Thứ 2, 07/06/2021 | 09:14:14
6,619 lượt xem
Vẫn tay nghề ấy, sản phẩm ấy nhưng do bị động trước thị trường nên không ít làng nghề rơi vào cảnh lúc thăng, lúc trầm, thậm chí bị “xóa sổ”. Thành công của làng nghề với sản phẩm truyền thống mắm cáy Hồng Tiến (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) gợi mở nhiều điều cho các làng nghề khác nghiên cứu để có được cách làm, hướng phát triển bền vững trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay.

Sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng. Ảnh tư liệu

Mắm cáy Hồng Tiến là sản phẩm truyền thống của địa phương có cách đây khoảng hơn 300 năm. Với đặc thù địa lý vùng gần cửa biển, ở môi trường nước lợ nên con cáy béo và độ đạm cao, cộng với kỹ thuật quy trình ủ chượp mắm rất riêng đã tạo cho mắm cáy Hồng Tiến vị thơm, ngon, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, mắm cáy của bà con làm ra quy mô nhỏ lẻ, chỉ để tự phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong xã, ít người biết đến; cũng vì thế có nghề trong tay nhưng cuộc sống của bà con lại không nhờ được từ nghề.

Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, các hộ làm nghề sản xuất mắm cáy ở Hồng Tiến rất phấn khởi, yên tâm gắn bó và cuộc sống khấm khá lên từ nghề sau khi địa phương bắt tay xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu tập thể. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho mắm cáy Hồng Tiến không chỉ quảng bá thương hiệu đặc sản của một vùng quê mà còn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con để gìn giữ phát triển nghề lâu dài. Thay vì người dân khai thác cáy một cách bừa bãi, tận thu, tận diệt thì nay bà con đã biết bảo vệ môi trường tự nhiên cho loài cáy sinh sôi. Bà con chỉ đánh bắt những con cáy đủ kích cỡ đạt 150 con/kg, không thu hoạch cáy con, cáy có trứng. Nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, sản lượng thu hoạch cáy của bà con cũng tăng dần lên. Với cùng diện tích 93,5ha vùng đầm bãi bồi ven sông Hồng, mỗi năm bà con chỉ khai thác được khoảng 50 tấn cáy, đến nay sản lượng đã đạt hơn 200 tấn. Nguồn nguyên liệu dồi dào hơn giúp cho bà con làm nghề mắm cáy Hồng Tiến mở mang phát triển nghề.

Có thương hiệu, HTX cùng với bà con xã viên chú trọng hơn trong các khâu sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đổi mới quy cách sản phẩm nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến có hai loại là mắm trong và mắm đục, được đựng trong chai thủy tinh hoặc chai nhựa thể tích từ 300ml - 1 lít. Tất cả sản phẩm đều được dán nhãn công bố đầy đủ thông tin về nguồn gốc, chất lượng và có mã vạch truy xuất xuất xứ, giá sản phẩm. Đặc biệt, HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ máy in tem truy xuất nguồn gốc QR Code giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả và nắm bắt đầy đủ thông tin về sản phẩm từ lịch sử làng nghề, quy trình sản xuất, ngày sản xuất, kiểm tra đánh giá chất lượng… Đây là lý do mắm cáy Hồng Tiến ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. 

Bà Hoàng Thị Sen, thôn Nam Tiến cho biết: Mắm cáy quê tôi giờ tiêu thụ ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ngày trước làm ra 50 lít không biết bán cho ai, nay mỗi năm gia đình sản xuất 400 lít vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không đợi khách hàng tìm đến, HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến chủ động đưa sản phẩm của làng nghề tiếp cận, chinh phục người tiêu dùng. HTX tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; quảng bá và bán hàng trực tuyến trên trang website của HTX và sàn thương mại điện tử của tỉnh. HTX tổ chức xúc tiến thương mại thông qua tiếp cận, đàm phán bán ký gửi sản phẩm với các cửa hàng ở khu vực nhiều người dân Thái Bình và vùng đồng bằng sông Hồng sinh sống. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX cho biết thêm: Thực hiện kế hoạch xây dựng HTX trở thành mô hình “doanh nghiệp số”, chúng tôi đã đầu tư hạ tầng và nhân lực để phục vụ kinh doanh trực tuyến (bán hàng online); các thông tin về sản phẩm đều được mã hóa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tra cứu trên nền tảng công nghệ số hiện nay.

Xã Hồng Tiến hiện có 40 hộ làm nghề sản xuất mắm cáy, sản lượng đạt gần 200.000 lít/năm, cho giá trị gần 40 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 30%. Mới đây, sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Thái Bình năm 2020. Đây là cơ hội để thương hiệu mắm cáy Hồng Tiến lan tỏa rộng rãi, nghề làm mắm cáy truyền thống của bà con nơi đây ngày càng phát triển hơn trong những năm tới.

Khắc Duẩn