Thứ 2, 29/07/2024, 09:20[GMT+7]

Để ngành Công Thương phát triển toàn diện

Chủ nhật, 13/06/2021 | 22:00:23
2,189 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 80% trở lên, Sở Công Thương đã sớm triển khai nhiều giải pháp để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát triển toàn diện ngành và góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty TNHH TAV Việt Nam (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra thuộc lĩnh vực Sở quản lý, toàn ngành phấn đấu đến năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt 143.950 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15,9 %/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 75.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.350 triệu USD, tăng trưởng bình quân 10%/năm và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.965 triệu USD, tăng trưởng bình quân 9,5%/ năm. Đây thực sự là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Sở Công Thương xác định, bên cạnh quyết tâm chính trị, toàn ngành phải tập trung, kiên trì thực hiện tốt 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã đề ra. 

Một trong những giải pháp có tính chất đột phá phát triển đó là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Công Thương địa phương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung cơ cấu lại các ngành sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và ít gây ô nhiễm môi trường. Chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới các hoạt động khuyến công, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình đề án khuyến công, góp phần tích cực vào khuyến khích, phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. 

Đối với lĩnh vực thương mại trong nước, Sở Công Thương chủ động thực hiện cơ cấu lại mạng lưới bán buôn và bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ quy mô lớn ở các đô thị, phát huy chức năng phát luồng bán buôn cho các chợ dân sinh. Phát triển đa dạng các loại hình chợ: chợ đêm, chợ ẩm thực, chợ du lịch. Lựa chọn phát triển các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ ở các khu, điểm du lịch phù hợp với quy mô, nhu cầu của khách du lịch. Tích cực thực hiện liên kết vùng, tăng cường hợp tác với các địa phương thúc đẩy lưu thông hàng hóa; tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, xây dựng, quảng bá thương hiệu cho hàng hóa trong tỉnh. Sở Công Thương cũng phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các điểm bán hàng Việt, giới thiệu sản phẩm OCOP; phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, ngoài định hướng thị trường, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, Sở Công Thương cũng triển khai các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp... 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập với tổng diện tích 2.380,7ha; trong đó 41 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.723,7ha. Để phát huy hiệu quả các CCN, Sở Công Thương đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thu hút các nhà đầu tư hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của các CCN để đủ điều kiện tiếp nhận thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Định hướng ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, CCN; tích cực xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, ưu tiên lựa chọn các dự án có thiết bị, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, thân thiện môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và sử dụng ít lao động. Phát triển mạng lưới các khu logistics tập trung để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối. 

Siêu thị, cửa hàng tiện ích đang trở thành kênh phân phối hàng hóa chủ lực.

Để phục vụ công nghiệp, thương mại phát triển ổn định, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch phát triển nguồn năng lượng theo hướng đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Sở Công Thương chỉ đạo, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm toán năng lượng. Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và cung cấp điện an toàn; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh. Phấn đấu, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045. 

Trong 5 năm tới, toàn ngành Công Thương thi đua thực hiện nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số cũng là những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa