Thứ 2, 29/07/2024, 05:16[GMT+7]

Rau xanh Trung An "Du lịch" trên thị trường

Thứ 4, 26/12/2012 | 08:44:03
1,935 lượt xem
Tiếp xúc với người dân Trung An, chúng tôi biết thêm câu chuyện tìm "đầu ra" cho cây rau từ chính những tiểu thương của xã và đây cũng là bước ngoặt có ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và phát triển nghề trồng rau nơi đây.

Trung An là một xã nội đồng ở phía nam huyện Vũ Thư với tổng diện tích canh  tác là 323,26 ha, trong đó diện tích chuyên canh rau màu là 85 ha, tập trung chủ yếu ở thôn An Lộc. Bà con nông dân nơi đây sống chủ yếu với nghề làm ruộng và đặc biệt có truyền thống trong thâm canh các loại rau màu như: xà lách, hành, mùi, thì là… Với lợi thế chất đất pha cát phù sa màu mỡ cùng kinh nghiệm canh tác lâu năm và vận dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nghề trồng rau nơi đây đang phát triển vững chắc, từng bước làm thay đổi diện mạo xã Trung An.

Về cánh đồng Trung An thời điểm này đúng vào dịp rau xà lách vào chính vụ, cả cánh đồng bát ngát một màu xanh non. Không khí sản xuất nơi đây như ngày hội, bà con nông dân và các tiểu thương trong xã tất bật chăm chút cho những sào rau đang vào lứa và chuẩn bị nguồn hàng kịp thời cung ứng cho bạn hàng ở các tỉnh thành. Tiếp xúc với người dân Trung An, chúng tôi biết thêm câu chuyện tìm đầu ra cho cây rau từ chính những tiểu thương của xã và đây cũng chính là bước ngoặt có ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và phát triển của nghề trồng rau của xã.

Ông Phùng Văn sở - Tổ trưởng tổ dịch vụ tiêu thụ nông sản xã Trung An vui vẻ chia sẻ: Từ đầu những năm 2000, khi rau màu sản xuất ra chủ yếu chỉ phục vụ người dân trong tỉnh và vùng lân cận (Nam Định, Ninh Bình,…). Sản lượng rau màu lớn dần, chất lượng tốt nhưng giá rẻ,  bài toán đặt ra là phải tìm đầu ra cho sản phẩm đã thúc đẩy sự ra đời của tổ dịch vụ gồm hơn 10 thành viên. Các thành viên trong tổ dịch vụ đã nhanh chóng tìm được các bạn hàng ở các tỉnh phía  Đông Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), miền Trung (Vinh và Đà Nẵng),... Nhờ sự nhanh nhạy trong làm ăn, tiếp cận bạn hàng và uy tín xây dựng từ chất lượng của những chuyến hàng đầu tiên, hiện nay tổ dịch vụ tiêu thụ rau Trung An đã từng bước lớn mạnh và là chỗ dựa tin cậy cho người nông dân.

Sau thiệt hại của cơn bão số 8, bà con nông dân đã nhanh chóng khôi phục sản xuất và làm mới những sào rau để kịp thời phục vụ thị trường. Hiện tại, sản lượng vẫn đang “khan” chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu của Đà Nẵng, Vinh mà chỉ tập trung cho Hải Phòng và Hà Nội. Mỗi ngày một hộ kinh doanh dịch vụ như ông Sở xuất đi khoảng 1,5 tấn xà lách và rau mùi doanh thu khoảng 15 triệu đồng. Dự kiến vào thời gian cao điểm, riêng thị trường Đà Nẵng nhu cầu cần khoảng 10 tấn rau mỗi ngày. Rau sẽ được đóng thành 10kg/túi, tập kết tại 1 địa điểm chờ xe tải lớn về “ăn hàng” và chuyển đến các tỉnh ngay trong đêm.

Nhờ khâu tiêu thụ, mở rộng thị trường ngoài tỉnh, giá rau vì thế cũng nhanh chóng tăng mạnh, được biết mỗi sào rau thời điểm này có giá từ  4-5 triệu đồng/sào, người dân ai lấy đều vui vẻ, phấn khởi, nhiều gia đình “thắng đậm” bởi nguồn thu chính từ rau xà lách. Bác Nguyễn Văn Cất vừa bán khỏi tay 4 sào rau, gương mặt rạng rỡ cho biết: đợt này rau đắt, bình quân mỗi sào bán ngay tại đồng cho các anh của tổ dịch vụ là trên 4 triệu/sào, thu được trên 15 triệu đồng. Gia đình bác đang tiếp tục chăm sóc lứa rau mới bán vào thời điểm giáp tết”.

Ông Phạm Văn Thừ, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Trung An vui mừng cho biết: Được sự hỗ trợ, đóng góp nhiều sáng kiến của Tổ dịch vụ, thương hiệu rau xà lách Trung An đã có tiếng tăm, chỗ đứng trên thị trường. Các thành viên khác trong tổ dịch vụ như ông Phùng Văn Nghĩa, Phùng Văn Thủy, Vũ Văn Thuần,... cũng đã tạo được uy tín, sự tin cậy lớn từ bạn hàng ở khắp nơi. Trung An đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, chú trọng đến tiêu chí thủy lợi: kiên cố hóa kênh mương phục vụ đắc lực việc tưới tiêu cho toàn bộ diện tích hoa màu vụ đông của bà con nông dân.

Vào dịp cao điểm cuối năm, xe tải trọng lớn ở các nơi đổ về tấp nập nhưng điều kiện bến bãi chưa cho phép, còn mang tính chất tạm thời, chưa tập trung nên gây ra sự tắc nghẽn giao thông trên trục đường liên xã. Tổ dịch vụ và bà con nông dân Trung An mong được các cấp chính quyền tạo điều kiện xây dựng bến bãi, hoặc cho thuê đất làm bến bãi để tập trung, vận chuyển hàng hóa. Nghề trồng trọt phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, bà con rất mong chính quyền xã, HTX dịch vụ nông nghiệp có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây, phân bón đảm bảo chất lượng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi

  • Từ khóa