Thứ 2, 29/07/2024, 05:21[GMT+7]

Ngân hàng NN & PTNT Tiền Hải Vượt qua khó khăn sát vai cùng nông dân

Thứ 5, 27/12/2012 | 15:55:44
1,129 lượt xem
Trong khi nhiều huyện có tốc độ tăng trưởng huy động vốn khá cao thì lượng vốn huy động tại chỗ của Agribank Tiền Hải chỉ đáp ứng 60%. Tuy vậy, CBNV Ngân hàng NN & PTNT Tiền Hải vẫn kiên trì, đoàn kết vượt qua khó khăn, sát vai cùng nông dân, bù đắp nguồn vốn từ đi vay và sự hỗ trợ của cấp trên để phục vụ khách hàng kịp thời, hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2012.

Nhờ vốn vay của Ngân hàng Agribank Tiền Hải gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến xã Vân Trường (Tiền Hải) lập cơ sở may chăn ga gối, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Do trên địa bàn có  nhiều tổ chức tín dụng cùng cạnh tranh; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp gốm sứ, các làng nghề khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; cơn bão Sơn Tinh gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các chủ đầm, chủ trang trại gia trại đã tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng NN & PTNT (Agribank) Tiền Hải. Trong khi nhiều huyện có tốc độ tăng trưởng huy động vốn khá cao thì lượng vốn huy động tại chỗ của Agribank Tiền Hải chỉ đáp ứng 60%. Tuy vậy, CBNV Ngân hàng NN & PTNT Tiền Hải vẫn kiên trì, đoàn kết vượt qua khó khăn, sát vai cùng nông dân, bù đắp nguồn vốn từ đi vay và sự hỗ trợ của cấp trên để phục vụ khách hàng kịp thời, hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2012.

 

Tổng nguồn vốn huy động ước thực hiện đến 31/12/2012 đạt 445,8 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,8%. Tổng dư nợ hữu hiệu ước đạt 645 tỷ đồng, gồm 13.700 hộ dư nợ, vượt kế hoạch 0,9%. Trong đó đối tượng vay vốn là hộ gia đình, cá nhân chiếm 96,7%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 3,3%. Cơ cấu đầu tư bám sát theo các mũi nhọn chương trình phát triển kinh tế của huyện: Dư nợ cho vay ngành nông nghiệp chiếm 32,4%, ngành thủy sản  chiếm 10,48%, ngành CN- TTCN chiếm 24,21%, ngành thương mại, dịch vụ chiếm 26,90%, ngoài ra, cho vay đời sống chiếm 16,01%. Trọng tâm, trọng điểm đầu tư của Agribank Tiền Hải vẫn là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2012 đã có sự thông thoáng và nâng mức đầu tư tín dụng, đặc biệt là sự tháo gỡ vướng mắc về tài sản thế chấp theo tinh thần Nghị định 41 của Chính phủ. Hiện có 6.239 hộ vay vốn cho mục đích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dư nợ trên 200 tỷ đồng. Việc phân loại khách hàng là điều kiện để đơn vị thực hiện cơ chế ưu đãi về bố trí nguồn vốn, thời hạn cho vay dài, lãi suất ưu đãi. Khách hàng đầu tư có hiệu quả như ông Đặng Thế Huyễn xã Vũ Lăng, ngân hàng tạo mọi thuận lợi vay vốn tín chấp để ông mở rộng trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô hàng trăm đầu lợn, thực lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Công ty TNHH Long Triều vay vốn mở trang trại chăn nuôi hàng chục ngàn con gà.

 

Tại khu chăn nuôi tập trung xã Tây Tiến, ông Trần Văn Tuế, Ngô Duy Thanh được vay vốn đã đầu tư chăn nuôi công nghiệp, xây dựng chuồng trại kiên cố. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến xã Vân Trường vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng làm chăn, ga gối, tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động. Trong năm, Agribank đáp ứng vốn cho hàng trăm khách hàng mua máy gặt, máy cày, phương tiện vận tải các loại phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Các xã ven biển Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh, Đông Hoàng, Đông Hải... có 2.600 hộ vay vốn củng cố đầm, mua giống tôm, cua, ngao, vạng và thức ăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Đồng vốn của Agribank Tiền Hải phát huy hiệu quả rõ rệt trong khôi phục 27 làng nghề, xã nghề, dư nợ gần 100 tỷ đồng, gồm trên 1000 lượt khách hàng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động duy trì nghề gốm sứ, đồ gỗ, cơ khí, đan lưới cước, sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Một trong những khó khăn của Agribank Tiền Hải hiện nay là nợ xấu có chiều hướng gia tăng, hiện chiếm 1,78% tổng dư nợ, tỷ lệ này tuy nằm trong phạm vi cho phép của ngân hàng trung ương, nhưng xu hướng tăng cao so với nhiều năm trước đây. Trong năm, ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu. Đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát quy trình nghiệp vụ cho vay, chế độ kế toán, kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại hộ. Qua đó phát hiện, xử lý khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, vay hộ người khác. Hiện nay, việc phát mại tài sản thế chấp của các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thu hồi nợ đọng, nhất là các khoản nợ đầu tư máy móc, phương tiện vận tải phục vụ sản xuất nông nghiệp, nợ cho vay đi lao động nước ngoài, nợ đứng tên cá nhân vay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nợ vay nuôi trồng thủy sản... đang gặp nhiều khó khăn. Ban lãnh đạo ngân hàng rất mong sự hợp tác hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền các cấp quan tâm, cùng tháo gỡ thu hồi vốn cho nhà nước.

Dân Dũng

(Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh)

 

  • Từ khóa