Thứ 5, 07/11/2024, 14:23[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến phát triển ngành tôm năm 2021

Thứ 6, 16/07/2021 | 14:39:53
5,905 lượt xem
Sáng ngày 16/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, diện tích nuôi thả tôm đạt 742.483ha, bằng 104,2% so với năm 2019, trong đó, diện tích nuôi tôm sú 629.065ha, tôm thẻ chân trắng 113.418ha; sản lượng thu hoạch đạt 900.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD. Nhận định các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Năm 2021, dự báo ngành tôm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng. Để đạt được mục tiêu duy trì ổn định diện tích nuôi đạt 740.000ha, sản lượng các loại đạt 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 – 4,0 tỷ USD trong năm 2021, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh bảo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản; triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngân Huyền