Thứ 2, 29/07/2024, 03:29[GMT+7]

Lúa hàng hóa bội thu trên đất mặn

Chủ nhật, 30/12/2012 | 18:01:56
1,819 lượt xem
Là vùng đất chua mặn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây Thái Thụy vẫn tạo bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu, giống lúa, trà lúa, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đặc biệt, thành công bước đầu trong xây dựng cánh đồng mẫu tại một số xã ở vụ mùa năm 2012 vừa qua đã tạo đà cho huyện biển hình thành mô hình liên kết "4 nhà"; tư duy, nhận thức về sản xuất hàng hóa của nông dân đã chuyển biến theo hướng tích cực.

 

Vụ mùa năm 2012, Thụy An được tỉnh và huyện Thái Thụy chọn làm điểm xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu, cấy một giống lúa RVT với diện tích 114 ha tại cánh đồng Tiền Đồng. Khác hẳn với tâm trạng hồi hộp, lo lắng khi gặp chúng tôi vào cuối tháng 6/2012 (lúc đó cây mạ chuẩn bị đưa xuống đồng cấy), lần này ông Phạm Trọng Đấu, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp phấn khởi chia sẻ: khi bắt đầu xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, vận động xã viên cấy một giống RVT, trên cùng 1 vùng tập trung, cả cán bộ xã và HTX đều trăn trở. Bởi đây là giống lúa mới, lần đầu tiên cấy trên đồng đất Thụy An, quy mô diện tích lớn nếu không may gặp rủi ro, dịch bệnh sẽ gây tổn thất lớn cho bà con. Nhưng khi đưa vào gieo cấy, lúa RVT rất thích hợp với đồng đất chua mặn của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt, trỗ bông to, hạt mẩy, ít sâu bệnh. Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha, hạt gạo trong, nấu cơm vị đậm đà, dẻo và thơm nên hộ nào cũng phấn khởi. Bình quân mỗi héc-ta cấy lúa RVT trên cánh đồng mẫu, nông dân lãi 36,137 triệu đồng, tổng thể 114 ha lãi gần 4,2 tỷ đồng. Dự kiến, vụ mùa năm 2013, xã sẽ tiếp tục quy vùng sản xuất xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn hơn với diện tích khoảng 200 ha.

 

Giống như Thụy An, năm nay nông dân Thái Sơn có một vụ lúa mùa bội thu nhờ cấy 100 ha giống lúa RVT. Trong đó, 80 ha thuộc mô hình cánh đồng mẫu, 20 ha mô hình cấy lúa giống cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Lúa được gieo cấy tập trung thành vùng lớn, cùng trà nên tiết kiệm công làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tiện đưa máy vào thu hoạch, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha. Điều vui mừng hơn là sau thu hoạch, doanh nghiệp về tận nơi mua sản phẩm với giá cao, nên nông dân ai cũng phấn khởi, tin tưởng. Bà Nguyễn Thị Tỉnh (thôn Thanh Miếu, Thái Sơn) chia sẻ: "Tôi tham gia cả mô hình cánh đồng mẫu và sản xuất lúa giống RVT cho công ty. So với sản xuất nhỏ lẻ từng hộ gia đình trước đây thấy lợi nhiều thứ: không tốn nhiều công, tiền bơm nước, lúa sạ hàng xuống giống đồng loạt nên khi phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bằng máy thuận tiện, lại có nơi tiêu thụ ổn định. Nếu diện tích được mở rộng hơn nữa, trong tương lai mô hình cánh đồng mẫu sẽ giúp chúng tôi làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương".

 

Dù chưa được gọi là cánh đồng mẫu, nhưng 4 năm nay xã Thụy Ninh đã rất thành công với mô hình liên kết sản xuất lúa giống BC15 cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2012, diện tích cấy lúa giống BC15 của xã đạt gần 200 ha quy thành các vùng lớn với khoảng 1.000 hộ nông dân tham gia. Với mô hình này, nông dân được Công ty cung ứng nguồn giống gốc có chất lượng, tập huấn kỹ thuật, sản phẩm thu hoạch về đến đâu được thu mua hết đến đó với giá cao hơn thị trường 25%. Ông Nguyễn Duy Khoái, Chủ tịch UBND xã cho biết: năm 2012, nông dân Thụy Ninh đã cung ứng cho doanh nghiệp gần 1.000 tấn thóc giống BC15, giá trị thu nhập trên 8 tỷ đồng, riêng số tiền chênh lệch so với bán thóc thịt khoảng 2 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình sau mỗi vụ cấy lúa giống có trong tay từ 30 đến 40 triệu đồng và thực sự là một giấc mơ đối với nhiều người trồng lúa khác.

 

Theo lời ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: năm 2012, Thái Thụy xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa chất lượng RVT với diện tích 550 ha. Trong đó, 2 mô hình cánh đồng mẫu có diện tích lớn ở Thụy An và Thái Sơn, còn lại 4 xã  là Thụy Dũng, Thụy Quỳnh, Thụy Sơn, Thái Thành, mỗi xã cấy thí điểm 30 ha tại một vùng tập trung để nhân rộng cho những năm sau. Tham gia mô hình, nông dân được tỉnh và huyện hỗ trợ 100% giống lúa, cử cán bộ xuống tập huấn kỹ thuật, doanh nghiệp về tận nơi bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Huyện cũng khuyến khích các xã  mở rộng diện tích gieo sạ, gieo thẳng, tổ chức thu hoạch bằng máy nhằm giảm bớt chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả, RVT cấy ở các mô hình đều được mùa, năng suất bình quân đạt từ 62 đến 63 tạ/ha, nếu so với các giống lúa chất lượng khác giá trị tăng khoảng 4,2 triệu đồng/ha.

 

Ngoài cánh đồng mẫu, 8 HTX dịch vụ nông nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất lúa giống: BC15, VS1, Bắc thơm… cho các công ty với tổng diện tích khoảng 500 ha. So sánh với lúa thường, giá trị cấy lúa giống tăng 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hợp tác "4 nhà" trong sản xuất lúa hàng hoá ở Thái Thụy bước đầu đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân về sản xuất hàng hóa. Năm 2012, diện tích lúa được gieo cấy bằng phương pháp gieo thẳng, sạ hàng toàn huyện đạt 2.600 ha, tăng 500 ha so với năm 2011, diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chiếm 30% tổng diện tích.  Ở vụ mùa, 9.574ha/12.883ha, tương ứng với gần 70,5% diện tích lúa của Thái Thụy được gieo cấy bằng giống lúa BC15 và lúa chất lượng cao. Tính chung, năng suất lúa cả năm trong toàn huyện đạt 130,84 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Và cũng nhờ tích cực xây dựng mô hình, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nên đã giảm được giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập tăng 45 tỷ đồng so với phương thức canh tác truyền thống trước đây.

 

Năm 2012 mới là năm khởi đầu, thời gian tới,  cùng với việc tích cực chỉ đạo khẩn trương hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy vùng sản xuất, Thái Thụy sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều mô hình lúa hàng hóa, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 mô hình cánh đồng mẫu. Mở rộng mối liên kết "4 nhà" để giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm chuyển đổi dần phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn… góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Niềm vui được mùa của người nông dân ở Thái Thụy.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa