Thứ 5, 16/01/2025, 12:07[GMT+7]

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012 Tôi rèn bản lĩnh trước khó khăn

Chủ nhật, 30/12/2012 | 18:58:15
1,207 lượt xem
Chia tay năm 2012, năm có nhiều khó khăn, thử thách ý chí, bản lĩnh của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Bức tranh kinh tế  - xã hội dẫu không được tươi sắc màu, song cũng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý để bước vào năm 2013 - Năm được xác định là “bản lề” của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015).

Nghề dệt truyền thống xã Thái Phương (Hưng Hà) đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Thành Tâm

Thế là năm con Rồng qua đi. Tờ lịch cuối cùng của năm 2012 đã hết. Năm Quý Tỵ đã đến. Chia tay năm Rồng, trước bộn bề những lo toan vất vả, khi bão chồng lên bão. Các doanh nghiệp hứng chịu “cơn bão” tài chính suốt từ năm trước kéo đến 365 ngày của năm 2012. Lại đối mặt với sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 8 – bão Sơn Tinh. Không chỉ các xí nghiệp, nhà máy, công trường bị bão số 8 hoành hành, mà rất nhiều hộ nông dân, các gia trại, trang trại cũng nếm trải những đắng cay của bão… Vượt lên khó khăn, cả tỉnh “gồng” mình đương đầu với thử thách. Thêm một lần tôi rèn bản lĩnh kiên trung trước khó khăn.
 
Bước vào năm kế hoạch 2012, dự báo tình hình khó khăn đã được tính toán. Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2011, có đại biểu băn khoăn về con số GDP tăng 10,5%. Tuy nhiên, mục tiêu nêu ra là để phấn đấu. Dẫu biết rằng khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và trong nước là rất lớn. Các nhà kinh tế dự đoán: còn có nhiều khó khăn khó lường trước. Và cái “khó lường” nhất đã đến, đó là sự xuất hiện của cơn bão Sơn Tinh. Cái gọi là thách thức dự tính được là Chính phủ có những quyết định về thắt chặt tài chính tiền tệ, đầu tư công… Ngành Công nghiệp thì đối mặt với giá nguyên liệu “đầu” vào tăng. Việc tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn khó khăn, thị trường tiêu thụ hàng hóa suy giảm và phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, chưa bảo đảm sự bền vững, sự “đỏng đảnh” của thời tiết, giá vật tư tăng cao, giá sản phẩm hạ. Công tác quản lý đất đai, môi trường và xây dựng ở một số cơ sở bị buông lỏng…

Cuối năm, dự tính có nhiều khả năng tăng trưởng 8% thì bất ngờ bão số 8 đổ bộ vào Thái Bình làm thiệt hại trên 6.600 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống thông tin, liên lạc, điện ngừng hoạt động, giao thông bị chia cắt; trên 6000 ha lúa mùa bị đổ, giảm sản lượng. Trên 20 nghìn ha cây màu và cây vụ đông bị giập nát. Nhiều nhà dân, trường học bị sập đổ, tốc mái… Vượt lên mất mát đau thương, vượt lên thử thách khó khăn, các cấp, các ngành, các đoàn thể, các lực lượng kề vai, sát cánh, chung lưng đấu cật để dựng lại những gì bị đổ nát do thiên tai. 60 tỷ đồng có thể không lớn mà ngân sách bỏ ra để khắc phục hậu quả so với 6 nghìn tỷ đồng bị thiệt hại. Song, như cha ông ta đã nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. 60 tỷ đồng quả thật đáng quý, đó là nguồn an ủi các gia đình có thân nhân bị thương, bị thiệt mạng; nguồn động viên bà con nông dân thêm sức mạnh, niềm tin để đứng dậy sau bão. Nguồn kinh phí quý giá để các gia trại, trang trại khắc phục khó khăn, tiếp tục chăn nuôi, sản xuất, ổn định sinh hoạt…

Năm 2012, thách thức lớn như vậy, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành… vẫn giành được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm GDP tăng 7,82% so với năm 2011. Dù mới đạt 96,7% kế hoạch, nhưng nhìn ra các tỉnh bạn trong khu vực, chúng ta có thể yên tâm với kết quả đã đạt được. Tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Bình chỉ xếp sau Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định; cao hơn mức bình quân chung của cả nước và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá; trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,99%; các khu vực kinh tế khác tăng gần 8%.

Hầu hết các sản phẩm ngành công nghiệp đều tăng. Tại các khu công nghiệp vẫn có các dự án vào đầu tư, giá trị sản xuất tăng 14,7%. Nghề, làng nghề, công tác đầu tư XDCB, sản xuất ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá. Sản xuất nông, lâm nghiệp được đánh giá là phát triển ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giành thắng lợi cao cả hai vụ lúa, năng suất đạt 130,05 tạ/ha. Giá trị sản xuất vụ đông tăng 11,3% so với cùng kỳ, đưa giá trị sản xuất cây trồng tăng 0,82%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong điều kiện khó khăn nhiều mặt: dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn chăn nuôi tăng và cả sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài tràn vào… Nhờ tỉnh có những quy định về cơ chế quản lý, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi… nên giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5,98%. Nuôi trồng thủy sản vẫn được đánh giá là năm phát triển khá tốt.

Nuôi ngao bắt đầu được cải thiện, với 2006 ha. Khai thác thủy sản phát triển ổn định, đội tàu khaI thác có 1378 chiếc, tăng 22 chiếc so với năm 2011, có 14 tàu được cải hoán. Sản lượng thủy sản năm 2012 ước đạt 152,42 nghìn tấn, tăng 16,9%. Giá trị ước đạt 972,4 tỷ đồng. Rõ ràng là khai thác hải sản vẫn là thế mạnh của Thái Bình. Có ai đó cho rằng: đánh bắt hải sản là thua lỗ, kém hiệu quả. Nhưng tại sao kém hiệu quả mà ngư dân vẫn đóng mới 22 tàu, cải hoán 14 tàu. Không ai dại gì “ném tiền ra biển” mà không thu được lợi ích gì. Cứ nhìn vào tình hình đóng mới, cải hoán tàu sẽ cho ta câu trả lời chính xác. Chương trình xây dựng nông thôn mới có sự chuyển động tích cực, được các cấp, các ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng. 218/267 xã (81,6%) hoàn thành quy hoạch chi tiết trung tâm xã; 148 xã hoàn thành dồn điền đổi thửa (55,4%).

Lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ… là những ngành phải đối mặt quyết liệt với “cơn bão tài chính”, chịu ảnh hưởng trực tiếp của suy giảm kinh tế thế giới. Nhìn vào kết quả thực tế cho ta cách đánh giá đúng: Giá trị sản xuất dịch vụ đạt 98,4% kế hoạch (không đạt kế hoạch đề ra). GTSX công nghiệp và dịch vụ, cơ cấu kinh tế… đều nằm trong 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Ngoài ra, còn có thu nhập bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội, tổng mức bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu; số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, mức giảm tỷ lệ sinh… là những chỉ tiêu xác định là không đạt kế hoạch đề ra. Trong số 16/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 6 chỉ tiêu vượt là: Tổng thu NSNN, thu nội địa, tổng chi ngân sách địa phương, tỷ lệ xã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước máy.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội, không thuộc ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của “bão kép” nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức do tác động của cơ chế thị trường. Song, với ý chí, quyết tâm cao và nền tảng truyền thống của một vùng quê văn hiến… mà sự nghiệp giáo dục – đào tạo vẫn gặt hái nhiều thành công: Giáo dục đại trà, mũi nhọn, thi đỗ đại học… là địa phương nằm ở tốp đầu của cả nước. Chùa Keo được xếp hạng di tích đặc biệt. Phong trào xây dựng chùa cảnh, xứ họ đạo “4 gương mẫu”, khu dân cư, đơn vị văn hóa… phát triển mạnh. Giải quyết việc làm mới cho 32.000 người, đào tạo nghề cho 33.200 người.

Chia tay năm 2012, năm có nhiều khó khăn, thử thách ý chí, bản lĩnh của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Bức tranh kinh tế  - xã hội dẫu không được tươi sắc màu, song cũng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý để bước vào năm 2013 - Năm được xác định là “bản lề” của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015). Dự báo chung cho thấy khó khăn còn nhiều, thách thức lớn và có những khó khăn khó lường. Làm sao để có tốc độ tăng trưởng 10% trở lên? Đó là bài toán cần lời giải. Sáu giải pháp đặt ra được xem là trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nỗ lực thực hiện là: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung, xây dựng mới và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư phát triển KT – XH. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới, nâng cao chất lượng phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển KT - XH của tỉnh. Tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu tăng thu và thực hiện tốt tiết kiệm chi ngân sách. Tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa