Thứ 2, 29/07/2024, 03:23[GMT+7]

Lê Lợi Triển vọng từ mô hình sản xuất nấm

Thứ 2, 07/01/2013 | 08:32:04
1,967 lượt xem
Đầu năm 2012, được Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về kỹ thuật, ông Lê Văn Tân, thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi (Kiến Xương) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên quy mô hàng hóa, bước đầu cho hiệu quả khá, mở ra triển vọng mới.

Ông Lê Văn Tân bên những bịch nấm vừa thu hoạch

Cách đây vài năm, huyện Kiến Xương rộ lên phong trào trồng nấm sò. Nguyên liệu trồng nấm được tận dụng từ rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa.  Giá bán nấm cao nên nhà nhà đua nhau trồng. Tuy nhiên, do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, không có kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, đặc biệt là sản xuất theo phong trào khiến cho hàng loạt gia đình nao núng vì cây nấm. Đầu năm 2012, được Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về kỹ thuật, ông Lê Văn Tân, thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi (Kiến Xương) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trên quy mô hàng hóa, bước đầu cho hiệu quả khá, mở ra triển vọng mới.

Ông Tân cho biết: trước đây, gia đình ông chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp. Ngoài lúa, gia đình ông còn trồng thêm hơn một mẫu rau màu vụ đông; tuy nhiên nguồn thu nhập bấp bênh. Sau thời gian trăn trở tìm hướng làm giàu, qua sách báo, xem truyền hình, tham quan học tập một số mô hình, cuối cùng ông quyết định lựa chọn đầu tư sản xuất nấm. Dốc hết vốn liếng trong nhà, vay mượn thêm anh em, bạn bè được 300 triệu đồng, tháng 3/2012, ông đầu tư xây dựng trang trại  mang tên Tân Bé với diện tích 1,5 ha. Trang trại được xây dựng theo mô hình VAC khép kín: trồng cây ăn quả tạo tán mát phát triển nấm ngoài trời và nuôi cá. Trang trại đã xây dựng được lán bán kiên cố (300m2), nhà ươm bịch nấm (200m2) và hiện có 2 kỹ thuật được đào tạo sơ cấp nghề, 5 lao động thường xuyên đã qua tập huấn và 10 lao động thời vụ. Sau 3 tháng, trang trại đã thu hoạch 7 tấn nấm sò tươi. Thời gian từ khi xử lý nguyên liệu tới khi cho thu hoạch nấm khoảng 1,5 - 2 tháng, mỗi vụ nấm cho thu từ 3 – 4 đợt. Hiện tại, Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng là đơn vị đầu tư KHKT và ký kết hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm nấm của trang trại với giá 20.000 - 25.000đ/kg. Với 1.000kg nguyên liệu (rơm, rạ khô) cho thu hoạch khoảng 700kg nấm sò tươi, trừ mọi chi phí thu lãi khoảng 9 triệu đồng. Ngoài ra, cuống nấm sau khi thu hoạch được ông Tân tận dụng làm thức ăn cho cá. Trang trại có 3 ao thả cá với tổng diện tích khoảng 300m2, nuôi thả 3.000 cá chim trắng, rô phi, mè, trắm. Phế thải từ nguyên liệu làm nấm được sử dụng để trồng sắn dây, đem bón ruộng. Dự kiến trang trại của ông Tân sử dụng 50 tấn nguyên liệu/năm, như vậy trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Ông Tân cũng cho biết thêm: nấm sò hay còn gọi là nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, sản xuất hoàn toàn tự nhiên không sử dụng hóa chất. Nấm thành phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, lượng protein trong nấm tương đương có trong thịt động vật, tốt cho sức khỏe. Nghề trồng nấm đem lại hiệu quả cao về kinh tế, còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông nhàn. Mỗi năm, lượng rơm rạ sau mùa vụ rất lớn, bà con chủ yếu đem đốt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe. Sản xuất nấm sẽ tận dụng được nguồn rơm rạ làm nguyên liệu, sau khi thu hoạch nấm, rơm rạ hoai mục trở thành nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt, vừa kinh tế lại an toàn cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, ông Tân còn xây dựng mô hình kinh tế VAC, tận dụng toàn bộ bã nấm, cuống nấm, nấm già  làm thức ăn cho cá… góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.

Về thăm trang trại, chúng tôi không chỉ thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt ông Tân trước những bịch nấm sai trĩu đang cho thu hoạch, mà còn thấy cả sự phấn khởi của những nhân công làm thuê. Bà Lê Thị Luân (thôn Trung Kinh), lao động thời vụ tại trang trại cho biết: thu nhập của gia đình tôi ngoài mấy sào ruộng chỉ trông vào mảnh vườn trồng rau, kinh tế khó khăn. Từ khi trang trại Tân Bé thành lập, chúng tôi được nhận vào làm thời vụ, công việc nhẹ nhàng mà ngày công cũng ổn định. Tận dụng được thời gian nhàn rỗi mà không phải đi đâu xa. Với khoảng 10 lao động thời vụ, thu nhập 80.000đ/ngày, trang trại của ông Tân góp phần đáng kể giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con quanh vùng.

Sau thành công bước đầu, ông Tân hy vọng thời gian tới xây dựng được mô hình sản xuất nấm hàng hóa với quy mô lớn hơn để bà con đến tham quan, học tập. Đồng thời, ông dự tính mở rộng quy mô trang trại, sản xuất nấm dược liệu: đưa nấm linh chi, kim châm, đùi gà vào trồng thử nghiệm. Hiện tại, trang trại vẫn còn thiếu một số thiết bị phục vụ cho sản xuất nấm: lò hấp bịch nấm, lò sấy nấm… Ông mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ vốn, KHKT để mô hình được nhân rộng, từ đó thúc đẩy phong trào sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh phát triển, hình thành một nghề sản xuất mới cho bà con nông dân, sử dụng sức lao động nông nhàn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn lại có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa