Thứ 6, 10/01/2025, 09:55[GMT+7]

Tư duy mới mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn Kỳ 1: Góp phần thay đổi diện mạo ngành Nông nghiệp

Thứ 4, 18/08/2021 | 09:01:09
1,885 lượt xem
Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ thì yếu tố con người vẫn giữ vai trò quyết định. Những “nông dân mới” đã và đang góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo ngành Nông nghiệp.

Cơ giới hóa khâu phun thuốc bảo vệ thực vật tại mô hình tích tụ ruộng đất của anh Nguyễn Văn Kiên, xã Tân Phong (Vũ Thư).

Tích tụ, tập trung ruộng đất đã tạo ra những thửa ruộng trăm mẫu để người dân thỏa sức thay đổi cách làm, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung.

Từ nhiều năm qua, vợ chồng anh Đặng Văn Quang và chị Trần Thị Lanh, xã Bình Minh (Kiến Xương) được mệnh danh là “đại điền chủ” khi sở hữu trong tay gần 40ha ruộng. Chia sẻ về cái duyên với đồng ruộng, chị Lanh cho biết: Là chủ cơ sở sản xuất gạch, những ngày mùa, công nhân đồng loạt xin nghỉ để cấy, gặt, hầu hết công đoạn nặng nhọc đều làm bằng tay. Thấy thế, tôi bàn với chồng sắm máy làm đất, máy gặt để làm dịch vụ, giải phóng sức lao động cho bà con. Sau mỗi vụ, tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều; tiếc của, tôi và chồng lại xin mượn ruộng để cấy. Để có những vùng tập trung, tôi dồn đổi ruộng tốt, ruộng gần cho những người còn nhu cầu cấy, thuê lại ruộng xa, ruộng xấu để cải tạo. Người vẫn cấy thì được ruộng gần, ruộng tốt còn người không cấy cho tôi mượn ruộng được lợi là không phải đóng 4 khâu dịch vụ bắt buộc là thủy lợi nội đồng, khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật và diệt chuột cho HTX. Với cách làm đó, từ diện tích vài mẫu ban đầu đã tăng lên hàng chục héc-ta, hiện tại là gần 40ha.

Có ruộng lớn trong tay, chị Lanh mua 2 máy cày, 1 máy gieo hạt, 20.000 khay mạ, 3 máy cấy “3 trong 1” vừa cấy, vừa phun, vừa bón phân, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy sấy công suất hơn 10 tấn/mẻ... Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất đã tiết kiệm cho chị Lanh khoảng 400.000 đồng/sào. Ngoài làm cho mình, chị còn làm dịch vụ bên ngoài khoảng 40ha nữa, tổng lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Diện tích sản xuất lớn tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ảnh: Máy làm đất, lên luống trồng khoai tây vụ đông năm 2020 trên diện tích tích tụ của HTX SXKD DVNN xã Mê Linh (Đông Hưng).

Khu đất bãi mênh mông ở xã An Đồng (Quỳnh Phụ) trước đây vốn chỉ trồng ngô, khoai nhưng dưới bàn tay của anh Nguyễn Văn Chuân đã trở nên tươi mới bởi những loại hoa màu giá trị cao như hoa cúc, bông hẹ, rau các loại. Sau 3 năm cải tạo, thiết kế, xây dựng nhà màn, bố trí cây trồng, đến nay anh Chuân đã sở hữu 1ha trồng hoa cúc, 4 sào trồng cây bông hẹ Đài Loan và hệ thống nhà màn trồng rau; tất cả đều được trồng hoàn toàn hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước tưới, giảm công lao động, giúp cây sinh trưởng tốt, bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm. Với 1ha hoa cúc cho năng suất khoảng 10 tấn hoa tươi/năm; trong đó, khoảng 35% lượng hoa cúc anh đem thuê sấy thành trà hoa cúc bán với giá 500.000 - 1.000.000 đồng/kg, còn lại anh bán hoa tươi với giá 35.000 đồng/kg. Nhờ sản phẩm an toàn, chất lượng cao, phân bón cho cây hoàn toàn là phân chuồng đã ủ hoai mục với chế phẩm vi sinh; phòng, trừ sâu bệnh bằng thảo dược tự chế gồm vi sinh vật ủ cùng các loại tỏi, ớt, cây mật gấu, xuyến chi... mà sản phẩm từ vườn của anh có thị trường tiêu thụ ổn định tại Hà Nội, Hưng Yên... Thời gian tới anh sẽ mở rộng diện tích trồng những cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ như hoa cúc, cây bông hẹ và xây dựng khu chế biến, lò sấy làm trà hoa cúc để chủ động sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bà Đỗ Thị Tâm, người làm cho anh Chuân chia sẻ: Trước đây, chúng tôi làm nông nghiệp chỉ chú trọng các biện pháp nâng cao năng suất, tạo mẫu mã đẹp cho sản phẩm. Từ khi làm cho anh Chuân, được tận mắt chứng kiến quá trình canh tác hoàn toàn hữu cơ: không sử dụng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc trừ cỏ... tạo được sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận cao tôi mới hiểu được, không phải canh tác cho năng suất cao sẽ có hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ, thuê mượn ruộng đất với quy mô lớn để sản xuất hàng hóa. Diện tích tích tụ, thuê mượn ngày càng nhiều, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến quy mô lớn ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 600 tổ chức, cá nhân có diện tích tích tụ từ 2ha, trên 100 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 5ha trở lên và có khoảng 50 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 10ha trở lên. Quá trình sản xuất hầu hết các mô hình đều áp dụng cơ giới hóa, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị thu mua, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Mô hình tích tụ ruộng đất trồng cà rốt vụ đông năm 2020 tại xã Điệp Nông (Hưng Hà). Ảnh tư liệu

Không chỉ làm giàu từ đồng ruộng, sự hình thành của những “nông dân mới” đã góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo nền nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và tưới, tiêu đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90% và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy. Ở vụ mùa năm 2021, diện tích cấy bằng máy đạt 10.100ha tăng gần gấp đôi so với vụ mùa năm 2020.

Sản xuất với quy mô lớn đòi hỏi những nông dân năng động, nhanh nhạy với thị trường; mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Sự hình thành của các trung tâm mạ khay, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hay câu lạc bộ đại điền cho thấy sự thay đổi bước đầu trong tư duy của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

(còn nữa)
Ngân Huyền