Thứ 6, 10/01/2025, 10:29[GMT+7]

Tư duy mới mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn Kỳ 2: Để những “nông dân mới” không phải thấp thỏm

Thứ 5, 19/08/2021 | 08:54:15
2,492 lượt xem
Khát vọng của những người nông dân gom “tấc vàng” xây dựng mô hình làm ăn lớn và những yêu cầu thực tiễn trên đồng ruộng đòi hỏi cần có một “sân chơi” rộng mở cho các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo sức bật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, có tính bền vững.

Thuê gần 40ha ruộng, anh Đặng Văn Quang, xã Bình Minh (Kiến Xương) mong muốn có cơ chế, chính sách bảo đảm cho việc tích tụ lâu dài.

Chia sẻ về những thăng trầm khi đi thuê, mượn, gom ruộng để sản xuất quy mô lớn, những “nông dân mới” mà chúng tôi đã gặp và trò chuyện đều chung một khẳng định, họ không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành, ủng hộ của chính quyền địa phương và tiếp sức từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành. Thực tế cho thấy, người dân dù có thể canh tác không hiệu quả hoặc để ruộng bỏ hoang đi làm nghề phụ khác nhưng không hề dễ dàng khi đưa ra quyết định cho thuê đất. Vì vậy, chính quyền địa phương dù là trung gian nhưng lại có vai trò quyết định để giúp những tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận được sự đồng tình của người dân trong việc cho thuê đất, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa.

Ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (Kiến Xương) cho biết: Chúng tôi xác định tích tụ ruộng đất không chỉ là giải pháp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mà còn giải quyết tình trạng ruộng bỏ hoang đang gia tăng. Chính vì vậy, trước khi xây dựng đề án sản xuất, xã chỉ đạo các thôn, HTX rà soát các hộ không có nhu cầu cấy lúa, kết nối với các tổ chức, cá nhân có mong muốn thuê, mượn ruộng. Từ mô hình thuê ruộng gieo cấy lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Hưng Cúc đã mở màn cho phong trào thuê, mượn ruộng trong nhân dân. Đến nay, toàn xã có 36ha đất được tích tụ, tập trung quy mô lớn bởi các tổ chức, cá nhân. Tùy từng vị trí, cánh đồng, xã có chủ trương miễn các khoản đóng góp cho các cá nhân tích tụ từ 1 đến 3 năm để động viên các mô hình có thêm nguồn lực bứt phá.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất chưa có tính bền vững; còn thiếu bóng dáng của những doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp tham gia, thực hiện các dự án lớn. Quá trình tổ chức thực hiện tích tụ ruộng đất đang gặp những khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý, trong đó mấu chốt là pháp luật về đất đai quy định giao đất lâu dài cho hộ dân nên dù có dồn điền đổi thửa, diện tích vùng sản xuất tăng lên nhưng số hộ tham gia đông và vẫn là quy mô sản xuất nông hộ. Không có quỹ đất nhàn rỗi, để có tư liệu sản xuất, các tổ chức, cá nhân phải đi thuê lại đất của nhiều nông dân. Không chỉ gặp khó trong đi thuê, mượn ruộng đất, các tổ chức, cá nhân tích tụ còn chưa yên tâm với tính ổn định của những hợp đồng đã ký kết.

Trở lại với mô hình tích tụ ruộng đất của anh Đặng Văn Quang, xã Bình Minh (Kiến Xương). Nhà anh hiện là hộ sản xuất lúa hàng hóa có tiếng, được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh tới đặt vấn đề bao tiêu từ đầu vụ. Thế nhưng anh Quang vẫn còn nhiều trăn trở chưa được tháo gỡ. Thành quả hiện tại là mồ hôi, công sức của vợ chồng anh trong nhiều năm. Tuy vậy, nó có thể biến mất bất cứ lúc nào nếu như người dân đòi lại ruộng. 

Anh Quang chia sẻ: Vợ chồng tôi đã mất nhiều công sức, tiền bạc để làm nên thửa ruộng trăm mẫu thẳng cánh cò bay, đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất. Vì thế, làm sao để những người thuê, mượn ruộng như chúng tôi có khoảng thời gian ít nhất 5 - 10 năm, có những cơ chế, chính sách bảo đảm cho việc tích tụ dài lâu. Nếu được vậy, chỉ cần canh tác những cây bình thường cũng mang lại giá trị cao.

Bên cạnh đó, nhiều hộ tích tụ ruộng đất mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất như: Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tập trung đất đai theo hình thức thuê đất để phục vụ thu hút các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Tổ chức, cá nhân thuê đất của người được nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, tuân thủ pháp luật và bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội ở cơ sở. Thời gian thuê đất, giá thuê đất và phương thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê đất trên cơ sở quy định chung của pháp luật. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố, quy hoạch nông thôn mới của các xã, các địa phương chủ động rà soát và thực hiện quy hoạch các vùng sinh thái phù hợp, đặc biệt là quy hoạch vùng có diện tích lớn để sẵn sàng cho doanh nghiệp thuê đất phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; thực hiện công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch các vùng sản xuất nông sản tập trung để các tổ chức, cá nhân tiếp cận.

Nhiều hộ tích tụ ruộng đất quy mô lớn mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ.

Ngân Huyền