Thứ 2, 29/07/2024, 03:21[GMT+7]

Ngành Nông nghiệp “Liệu cơm gắp mắm" trong đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ 6, 11/01/2013 | 08:43:55
1,261 lượt xem
Với nguồn vốn ít và một số khó khăn, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực “Liệu cơm gắm mắm” để phát huy hiệu quả cao nhất cho mỗi dự án, công trình, bảo đảm cả về tiến độ và chất lượng...

Tuyến đê tả sông Trà Lý được đầu tư tu bổ nâng cấp. Ảnh: Ngọc Trâm

Trong những năm gần đây, khí hậu đang biến đổi bất thường, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, như nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt… Thái Bình là tỉnh có hệ thống đê vào loại nhiều nhất so với các tỉnh có đê, công trình lại nhiều điểm xung yếu khi phải đối phó với cả lũ, bão, triều dâng trùng hợp. Do địa hình bằng phẳng, không có đồi núi và thấp so với mực nước biển dâng, nếu xảy ra thiên tai sẽ phải chịu sự tổn thất rất lớn cho dân sinh, kinh tế - xã hội. Xác định được điều này, Sở Nông nghiệp & PTNT đã nỗ lực trong thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm đầu tư có trọng điểm, triển khai các công trình đúng tiến độ, chất lượng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

 

Năm 2012, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản do ngành Nông nghiệp quản lý là 892,203 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương 642,362 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 22,786 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 227,055 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, ngành Nông nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, như củng cố nâng cấp đê, kè cống, nạo vét sông trục, xây dựng trạm cấp nước sạch, hạ tầng phục vụ chăn nuôi… Mặc dù nhìn vào tổng nguồn vốn là con số rất lớn nhưng xét về nhu cầu thực tế cần xây mới, nâng cấp, tu bổ các công trình thủy lợi, đê điều thì đây chỉ là con số rất nhỏ. Những năm qua, tuy Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp đê, song mới chỉ đạt 1/4 yêu cầu, còn nhiều công trình đê, kè, cống bị hư hỏng vẫn chưa được khắc phục. Hệ thống đê điều trong tỉnh hiện nay nếu thực hiện tốt công tác hộ đê thì đê sông mới đảm bảo chống đỡ được với mực nước lũ thiết kế (tính theo mực nước sông Hồng là 13,10 m tại Hà Nội); đê biển chỉ bảo đảm chống được những cơn bão mạnh cấp 8, cấp 9 với mực nước biển trung bình.

 

Hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong điều kiện khá khó khăn do nguồn vốn phân bổ cho các dự án chưa tập trung, không đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, như các dự án về nâng cấp đê sông, đê biển. Trong khi đó các công trình thi công lại theo mùa, thời gian ngắn; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, có công trình kéo dài nhiều năm do nhân dân và chính quyền địa phương chưa thực sự hợp tác để bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, đơn giá, chế độ chính sách thường xuyên thay đổi; giá vật liệu tăng cao trong khi chưa có hướng dẫn cho điều chỉnh đơn giá vật tư, vật liệu của cấp có thẩm quyền nên không có cơ sở điều chỉnh giá cho các nhà thầu…

 

Với nguồn vốn ít và một số khó khăn trên, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực “Liệu cơm gắm mắm” để phát huy hiệu quả cao nhất cho mỗi dự án, công trình, bảo đảm cả về tiến độ và chất lượng. Cụ thể, ngày 14/3/2012, Tổng cục thủy lợi phê duyệt kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều của tỉnh, gồm 8 hạng mục công trình, đến đầu tháng 7/2012 đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, như cứng hóa mặt đê 1.190m3 bê tông và 1.725m3 đất; làm hành lang chân đê 2.247 m3 đất, 954m3 bê tông. Ngoài ra, còn nhiều hạng mục công trình có tiến độ khá nhanh, như dự án nâng cấp đê biển với tổng chiều dài 158,4km cần tu bổ, nâng cấp, trước khi mùa lũ, bão đến đã hoàn thành 20,5 km để đưa vào sử dụng; 19,36 km đê làm xong mái phía biển và tường chắn sóng; đê biển số 5 (Tiền Hải) từ K8 đến K8+310 thực hiện được 95% dự toán được duyệt, từ K8+310 đến K8+697 thực hiện 97% dự toán… Nhìn chung, với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và quyết tâm phấn đấu của các đơn vị chủ đầu tư trong ngành, cũng như các nhà thầu thi công nên các công trình cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, trình tự theo quy định của Nhà nước.

 

Đến hết năm 2012, việc giải ngân cho các hạng mục công trình đạt gần 100% kế hoạch; trong đó có nhiều dự án, công trình đã giải ngân xong khá sớm, như dự án nâng cấp đê sông, duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2012, xây dựng hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn để ổn định dân cư, giảm nhẹ thiên tai… Do thực hiện các dự án, công trình bảo đảm tiến độ nên trong cơn bão số 8 năm 2012 việc tiêu thoát nước được thuận lợi, hệ thống đê điều được bảo đảm an toàn… hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

 

Theo kiến nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT, năm 2012 còn một số địa phương chưa tích cực cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đồng thời vốn đối ứng của tỉnh cho công tác này còn hạn chế, do đó triển khai thực hiện một số dự án còn khó khăn, như dự án củng cố nâng cấp tuyến đê Tả sông Trà Lý, đoạn từ K30-K40 và tuyến đường cứu hộ từ đê Tả sông Trà Lý đến đường 39; đê biển số 5, đoạn từ K10 – K15, từ K17,5 – K21…Đồng thời, ngành Nông nghiệp còn đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ vốn cho tỉnh để sớm hoàn thành toàn bộ các dự án đã được phê duyệt; hoàn thiện hệ thống đê biển theo các chỉ tiêu thiết kế mà dự án đã đặt ra, nhất là hệ thống đê biển số 6 và các trạm bơm hiện chưa được đầu tư, nâng cấp để phòng chống lụt bão và phục vụ sản xuất.

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa