Thứ 2, 20/05/2024, 16:13[GMT+7]

HTX dịch vụ điện năng Vũ Đoài Bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý

Thứ 6, 11/01/2013 | 16:26:59
1,157 lượt xem
Chỉ vì cung cách làm việc thiếu dân chủ, tùy tiện, thiếu minh bạch trong quản lý, điều hành mà nhân dân xã Vũ Ðoài có nguy cơ bị “cúp điện” do HTX không thanh toán đủ tiền điện cho ngành điện. Khi điện bị cúp, người dân sẽ phản ứng như thế nào?

Hệ thống lưới điện xã Vũ Ðoài. Ảnh: Hiền Trâm

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngoài 184 xã thực hiện bán điện trực tiếp đến hộ dân do ngành điện quản lý vẫn còn 84 xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng. Về cơ bản mô hình này được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhiều HTX gắn liền với sự hình thành lưới điện của địa phương nên việc thực hiện quản lý và kinh doanh trên địa bàn xã có điều kiện tốt hơn. Ðặc biệt sau khi được hưởng lợi từ dự án REII và REII mở rộng nhờ vốn vay của Ngân hàng Thế giới thì tại các xã này lưới điện đã được nâng cấp, cải tạo đáp ứng tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó mà tỷ lệ tổn thất điện năng (TTÐN) giảm từ 30 - 35% xuống còn 8 - 12%. Trong khi tại hầu hết các HTX điện năng đều làm ăn hiệu quả, có lãi, tạo việc làm ổn định cho từ 5 - 10 lao động địa phương thì HTX dịch vụ điện năng Vũ Ðoài (Vũ Thư) lại bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý, vận hành và kinh doanh điện.

 

Trước khi được hưởng lợi từ dự án REII, hệ thống lưới điện hạ áp ở Vũ Ðoài do không chủ động nguồn vốn đầu tư nên lưới điện xây dựng chắp vá, không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; bán kính cấp điện lớn, tiết diện dây dẫn nhỏ và nhiều chủng loại. Trong quá trình vận hành không được đầu tư sửa chữa thường xuyên nên TTÐN lớn, có thôn lên tới 30 - 35%... Những bất cập này làm cho giá điện tới hộ dân nông thôn cao hơn ở thành thị, chất lượng điện lại không đảm bảo. Sau khi dự án REII hoàn thành năm 2010, HTX dịch vụ điện năng đã được kiện toàn với 3 thành viên. HTX hiện đang quản lý, vận hành lưới điện hạ áp với tổng chiều dài 34 km đường dây, 7 trạm biến áp, bán điện cho trên 2.400 hộ dân.

 

Hiệu quả của dự án mang lại cho người dân đã nhìn thấy rõ, như: chất lượng điện trong sinh hoạt, sản xuất nâng lên tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chăn nuôi, chế biến, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn điện áp ổn định, nhiều nhà dân đã trang bị được các tiện nghi sinh hoạt như: ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... Là một trong những xã điểm xây dựng NTM của huyện Vũ Thư, đến nay Vũ Ðoài đã đạt tiêu chí về điện. Nhưng thực tế, theo báo cáo của HTX dịch vụ điện năng thì tỷ lệ TTÐN của xã vẫn ở mức rất cao 17 - 20%, thậm chí có trạm tổn thất đến 27%. Ông Lương Văn Hãn - Chủ nhiệm HTX cho biết: Với tỷ lệ TTÐN cao nên 18 tháng qua, 3 thành viên trong ban quản trị đã không có lương, đều “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao tỷ lệ TTÐN lớn như vậy trong khi xã đã được đầu tư gần 6 tỷ đồng cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh lưới điện hạ áp nông thôn từ dự án REII thì ông Hãn trả lời: “không biết”. Chính sự nhập nhằng, mập mờ không biết vì sao TTÐN lại cao như vậy nên mặc dù người dân đã làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, thanh toán đầy đủ tiền điện hàng tháng, không nợ đọng nhưng đến ngày 4/1/2013, HTX dịch vụ điện năng Vũ Ðoài vẫn còn nợ Ðiện lực Vũ Thư 32 triệu đồng. Sau khi có buổi làm việc với lãnh đạo Ðiện lực Vũ Thư, HTX đã thanh toán một phần và còn nợ lại trên 15 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi số tiền điện đã thu trong dân nằm đâu thì được biết nhân viên tại các trạm không nộp cho HTX. Ðiển hình như: Trạm 10 do ông Phạm Văn Tiên quản lý vẫn còn nợ 6,5 triệu đồng; Trạm 8 do ông Nguyễn Văn Thăng quản lý nợ 5,1 triệu đồng…. Chỉ qua việc làm này đủ nhận thấy năng lực quản lý yếu kém của HTX dịch vụ điện năng Vũ Ðoài. Bên cạnh đó còn do sự giám sát thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương.

 

Thực tế cho thấy HTX dịch vụ điện năng Vũ Ðoài được thành lập với cách thức quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều tồn tại như hiện nay chỉ để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mô hình, nên việc lựa chọn nhân sự không chặt chẽ, nhiều người trong bộ máy không có chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý sổ sách, nhất là quản lý kỹ thuật yếu kém, dẫn đến tình trạng TTÐN cao.

 

Sau khi có buổi làm việc giữa Ðiện lực Vũ Thư với chính quyền xã và HTX dịch vụ điện năng về tình hình nợ tiền điện quá 15 ngày chưa thanh toán, đồng chí Nguyễn Quang Khải- Chủ tịch UBND xã đã yêu cầu HTX phải thanh toán toàn bộ tiền điện cho ngành điện trước 16h ngày 5/1/2013 thì ông Hãn vô tư trả lời “Có nộp được hay không còn phụ thuộc vào đi thu”. Với sự trả lời thiếu trách nhiệm của một người quản lý được giao trọng trách người đứng đầu thì hoạt động của HTX yếu kém, mập mờ, không biết nguyên nhân tổn thất điện năng cao là chuyện đã rõ. Mặc dù trước đó theo ông Chủ tịch UBND xã thì chính quyền đã nhiều lần yêu cầu HTX kiểm tra, rà soát, khoanh vùng những đối tượng nghi vấn có hành vi ăn cắp điện để UBND xã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nhưng đến nay HTX vẫn chưa làm.

 

Chỉ vì cung cách làm việc thiếu dân chủ, tùy tiện, thiếu minh bạch trong quản lý, điều hành mà nhân dân xã Vũ Ðoài có nguy cơ bị “cúp điện” do HTX không thanh toán đủ tiền điện cho ngành điện. Khi điện bị cúp, người dân sẽ phản ứng như thế nào? Câu trả lời này xin dành cho chính quyền xã Vũ Ðoài- một trong những xã đang thực hiện điểm xây dựng NTM của huyện Vũ Thư.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa