Thứ 3, 30/07/2024, 01:18[GMT+7]

Sản xuất nông - lâm - thủy sản Tạo thêm những bước đột phá mới

Thứ 6, 27/08/2010 | 09:15:08
1,133 lượt xem
Nếu như năm 2009, sản xuất nông - lâm - thủy sản là lĩnh vực kinh tế chủ lực duy nhất không chỉ “làm đủ ăn” mà còn chia sẻ nhiệm vụ tăng trưởng nặng nề với hai ngành sản xuất CN - TTCN và thương mại - dịch vụ trước một năm đặc biệt khó khăn; thì bước sang năm 2010, lĩnh vực này lại tiếp tục vượt qua mọi thách thức, mở trang sử mới với những bước đột phá ngoạn mục hơn.

Vùng chăn nuôi tổng hợp xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 3.340,4 tỷ đồng, tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng lớn nhất từ trước tới nay; vượt xa so với kế hoạch tỉnh giao: vượt 4,5%.

Sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thuận, nhưng cả hai vụ đông và vụ xuân đều gặt hái mùa vàng bội thu, lập nên nhiều kỷ lục mới. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2010 đạt 134.647 ha, tăng 7.915 ha so với năm 2009. Trong đó, diện tích gieo trồng vụ đông đạt 39.276 ha, tăng gần 30% so với năm trước và là năm đạt diện tích cao nhất từ trước tới nay. Hầu hết diện tích các cây trồng chủ lực và cây cho giá trị kinh tế cao đều tăng mạnh như: đậu tương tăng gần 80%, khoai tây  12%, cà chua 59%, ớt 42%, dưa chuột 49%, cải bắp và su hào 20%...

Do đó, giá trị cây vụ đông cũng tương ứng tăng gần 23%, đạt trên 750 tỷ đồng. Vụ lúa xuân 2010, mặc dù dịch bệnh lùn sọc đen và các đối tượng sâu bệnh khác bùng phát và diễn biến phức tạp ở cả 8/8 huyện, thành phố; song do làm tốt công tác dự tính, dự báo kết hợp với các biện pháp phòng trừ quyết liệt, sát sao nên hầu hết diện tích được bảo đảm an toàn. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 70,54 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 583.178 tấn, cao hơn vụ xuân trước. Với hai vụ thắng lợi toàn diện, ngành trồng trọt đã nâng tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2010 lên 2.048,5 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng “có một không hai” từ trước tới nay: 7,81%, mặc dù diện tích đất trồng trọt giảm tới 355 ha do chụyển sang quy hoạch đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, khu đô thị...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trước tình hình bệnh tai xanh trên lợn tái xuất hiện ở 23 xã thị trấn của 4 huyện, thành phố; ngành Nông nghiệp đã kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác khoanh vùng dập dịch, hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả, số lợn ốm chỉ có 10.674 con; trong đó đã chữa khỏi 7.381 con, tiêu hủy 3.293 con - chiếm 0,3% tổng đàn lợn, thấp hơn rất nhiều so với năm 2007, thiệt hại không đáng kể đối với sản xuất. Bởi thế, xu hướng chăn nuôi gia trại, trang trại và chăn nuôi gia công quy mô lớn, công nghệ hiện đại tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng tạo những chuyển biến rõ nét cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Không tỷ lệ thuận với sự thụt giảm số lượng tổng đàn (đàn trâu bò giảm 2,47%; đàn lợn giảm 1,38%) do các yếu tố đầu vào tăng cao, sản lượng thịt hơi các loại vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ tăng trước. Sản lượng thịt trâu bò xuất chuồng đạt 1.861 tấn, tăng 25,11%; thịt lợn hơi đạt 75.907 tấn, tăng 14,23%; thịt gia cầm đạt 8.700 tấn, tăng 13,8%. Tổng giá trị ngành chăn nuôi đạt 855 tỷ đồng, tăng 8%.

Không phải đối mặt với quá nhiều thách thức như hai ngành trồng trọt và chăn nuôi, ngành thủy sản lại gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho cả lĩnh vực nuôi trồng lẫn khai thác. Do đầu năm không khí lạnh xuất hiện ít, biên độ nhiệt dao động thấp, mưa không nhiều... nên hầu hết các đối tượng nuôi trồng đều sinh trưởng và phát triển nhanh. Cộng với khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống và giám sát dịch bệnh được tăng cường chặt chẽ hơn... đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng và giá trị. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đạt 13.341 ha (tăng 1,73%), cho sản lượng 30.533 tấn (tăng 13,47%), thu giá trị 200,4 tỷ đồng (tăng 11,87%). Về khai thác, từ tháng 6/2009 đến nay, ngư dân hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải tiếp tục tăng cường đầu tư cải hoán nâng cấp và đóng mới các phương tiện, nâng tổng đội tàu khai thác lên 1.595 chiếc (tăng 177 chiếc, 12,48%) đạt tổng công suất 56.368 CV (tăng 4.208 CV, 8,07%). Năng lực phương tiện được nâng cao, các đối tượng thủy sản như tôm, cá và đặc biệt là sứa lại xuất hiện khá nhiều ở hầu hết các ngư trường nên sản lượng khai thác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ: đạt 21.57 tấn, cho giá trị 113,2 tỷ đồng, tăng 9,14%. Như vậy, tính chung cả hai lĩnh vực nuôi trồng và khai thác, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 51.690 tấn, tăng 9,47%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 339,3 tỷ đồng, tăng 10,03%. 

Tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trên chặng đường mới, hiện ngành nông nghiệp đang phải đối phó với những diễn biến phức tạp, đe dọa nguy cơ thiệt hại năng suất lúa mùa của bệnh lùn sọc đen. Bên cạnh đó, mục tiêu mở rộng đồng bộ cả cây vụ đông ưa ấm và ưa lạnh, trọng tâm là cây đậu tương, khoai tây và cây rau màu có giá trị kinh tế cao; phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn tỉnh đạt 45.000 ha trở lên vẫn đang nằm ở phía trước với bao thách thức khôn lường. Thêm vào đó là công tác bảo đảm an toàn cho phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, chăn nuôi gia công quy mô lớn, công nghệ hiện đại; bảo đảm tốc độ tăng trưởng thủy sản trên 10% với mục tiêu mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, nhất là đối với các vùng chuyển đổi tập trung... Hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khá nặng nề này, ngành nông nghiệp không chỉ có thêm một năm đột phá, mà quan trọng hơn, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, tạo đà vững chắc cho những giai đoạn phát triển nối tiếp.

Hồng Thái

 

  • Từ khóa