Thứ 2, 29/07/2024, 05:17[GMT+7]

Luồng gió mới cho nông nghiệp phát triển

Thứ 2, 27/09/2021 | 10:56:36
2,609 lượt xem
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những trang trại chăn nuôi trù phú, những vườn cây trái sum suê… là minh chứng rõ nét về hiệu quả thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất (TTRĐ) ở Hưng Hà. Từ những mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún, bỏ hoang nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình tích tụ ruộng đất của gia đình anh Bùi Đình Hiếu, thôn Việt Thắng, xã Hồng An (Hưng Hà) đạt doanh thu trên 2,5 tỷ đồng mỗi năm.

Nếu như năm 2016 Hưng Hà có 522 hộ TTRĐ với diện tích 626ha thì đến nay toàn huyện đã có trên 1.000 hộ TTRĐ với diện tích gần 2.550ha, chủ yếu trồng cây ăn quả, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi và cấy lúa hàng hóa... theo hình thức đấu thầu, thuê lại của nông dân. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất thông thường khi chưa được TTRĐ.

Xã Hồng An là một trong những địa phương dẫn đầu thực hiện TTRĐ của huyện Hưng Hà. Hiện toàn xã có 60 hộ tham gia với diện tích trên 160ha, cây trồng chủ lực là chuối tiêu hồng, bưởi diễn, táo..., doanh thu hàng năm đạt trên 300 triệu đồng/ha. Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình hiện nay; động viên, khuyến khích nhân dân mạnh dạn gom, thuê ruộng để hình thành những mô hình sản xuất lớn. Tổ chức thực hiện thí điểm từ 1 - 2 mô hình ở từng thôn, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Đồng thời, thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xã Hồng An, xây dựng website để quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu cho địa phương, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Nông dân huyện Hưng Hà tích tụ ruộng đất trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Bùi Đình Hiếu, thôn Việt Thắng, xã Hồng An mạnh dạn thuê hơn 5,5ha đất của 110 hộ dân thôn Mậu để xây dựng trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Anh Hiếu cho biết: Tôi thuê lại đất của các hộ dân trong thời gian 25 năm với giá 700.000 đồng/sào/năm và thuê thêm 10 lao động địa phương làm việc cho trang trại với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tôi trồng trên 2ha ổi, 3ha táo, chuối tiêu hồng và cam canh; diện tích còn lại nuôi 5.000 con gà và 300 con lợn thịt. Nhờ tập trung được ruộng đất nên thuận lợi khi đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2020 đạt trên 2,5 tỷ đồng. Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc xuất bán chậm hơn nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng bưởi diễn, na Đài Loan, ổi ru bi của gia đình anh Nguyễn Đức Khánh, thôn Nhuệ, xã Chí Hòa có diện tích 3 mẫu anh thuê và mua lại của những hộ dân không cấy lúa trong thôn. Mỗi năm, từ mô hình này anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Khánh cho biết: Sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn sẽ giảm chi phí lao động, giống, phân bón... đồng thời việc đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn, bảo đảm sản phẩm nông nghiệp sạch, đồng đều với chất lượng cao, tạo tiền đề cho chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình ngày càng phát triển.

Không chỉ phát triển cây ăn quả, cây hàng hóa, nhiều nông dân trong huyện còn mạnh dạn gom ruộng sản xuất lúa hàng hóa. Điển hình như anh Vũ Văn Tiến, thôn Dương Xá, xã Tiến Đức thuê lại 6 mẫu đất công điền và diện tích ruộng bỏ hoang của bà con trong thôn sản xuất lúa hàng hóa. Để phục vụ cho sản xuất, anh đã đầu tư mua các loại máy cày, máy rắc phân, máy phun thuốc sâu..., nhờ đó giảm được chi phí, ngày công mà hiệu quả kinh tế cao. Anh Tiến chia sẻ: Để tập trung được diện tích rộng như hiện nay, tôi kết hợp với HTX DVNN vận động từng hộ dân có ruộng. Ban đầu nhiều hộ không có nhu cầu sản xuất nhưng tâm lý không muốn cho thuê lại. Sau một thời gian kiên trì vận động tôi mới thuê được diện tích gọn vùng, liền cánh. Xác định sản xuất lớn nên tôi chỉ lựa chọn những giống lúa hàng hóa như lúa Nhật, BC15 để gieo cấy và được bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng. Mỗi năm từ cấy lúa tôi thu lãi trên 150 triệu đồng.

Những năm qua, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện Hưng Hà tăng trưởng bình quân 3%/năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ổn định và có hướng phát triển theo mô hình gia trại, trang trại. Các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng rõ nét, nhất là việc ký hợp đồng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Xác định TTRĐ là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có năng lực đầu tư sản xuất; phát triển các hình thức hợp tác liên kết phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng. Đồng thời, chỉ đạo các HTX DVNN phát huy vai trò là cầu nối để người nông dân tiếp cận mô hình liên kết “4 nhà”, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hiện nay huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu thanh long tai xanh, vỏ vàng (Kim long Phật hoàng) xã Hồng Minh; xây dựng thương hiệu các sản phẩm chế biến từ sen của HTX trồng sen Vân Đài, xã Chí Hòa... tạo luồng gió mới cho nông nghiệp phát triển bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương.

Có thể thấy, TTRĐ là chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân và được coi là “cuộc cách mạng” đối với sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Việc chuyển từ cách làm cũ sang cách làm mới là tiền đề để huyện Hưng Hà phát triển lợi thế sản xuất nông nghiệp vốn có.

Thanh Thủy