Thứ 7, 30/11/2024, 14:39[GMT+7]

Đánh thức tiềm năng vùng đất bãi

Thứ 4, 06/10/2021 | 08:50:48
2,909 lượt xem
Huyện Hưng Hà hiện có trên 1.570ha đất bãi bồi ven sông, tập trung gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chuối, bưởi, cam, táo, ngô và phát triển chăn nuôi. Với lợi thế đất đai màu mỡ, các địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng sẵn có của đất để quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa như: vùng trồng chuối tiêu hồng xã Hồng An, ngô nếp xã Tân Lễ, cà rốt xã Điệp Nông, cam xã Hòa Tiến, dưa lưới xã Tiến Đức..., từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm giàu cho người dân vùng ven sông.

Nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) trồng táo trên vùng đất bãi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 10 năm nay, cây chuối tiêu hồng đã bám vùng đất bãi, trở thành cây trồng mũi nhọn làm giàu cho người dân xã Hồng An. Nhờ phù sa của con sông Hồng, 45 hộ dân ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây màu kém hiệu quả sang trồng chuối. Từ đó, nhiều hộ đã có kinh tế khá, bứt phá làm giàu. Điển hình như mô hình của anh Trần Đức Triển, thôn Bắc Sơn. Với 8 mẫu đất bãi, anh bố trí trồng 6 mẫu chuối tiêu hồng, diện tích còn lại trồng đan xen bưởi diễn, táo và cà chua. 

Anh Triển cho biết: Cây chuối dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng đất phù sa, thích nghi với mọi điều kiện của thời tiết, thị trường lại ưa chuộng. Trước khi trồng tôi cũng phải tính toán thời vụ để khi thu hoạch chuối vào đúng dịp tết Nguyên đán bán được giá cao. Có những thời điểm chuối tiêu hồng bán từ 300.000 - 400.000 đồng/buồng, nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bây giờ chỉ được từ 100.000 - 200.000 đồng/buồng, tuy nhiên so với những cây trồng khác vẫn lãi hơn nhiều. Từ trồng chuối kết hợp một số loại cây ăn quả khác, mỗi năm tôi thu về hàng trăm triệu đồng.

Xã Hồng An có trên 140ha vùng đất bãi, trong đó gần 80ha tập trung trồng chuối tiêu hồng. Ông Trần Tiến Phúc, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Trước đây người dân chủ yếu trồng màu nhưng giá trị kinh tế không cao. Sau khi tìm tòi, chuyển đổi sang trồng chuối và một số loại cây ăn quả khác đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần. Bình quân mỗi năm sản xuất vùng đất bãi chiếm gần 30% giá trị kinh tế của địa phương. Ngoài trồng cây ăn quả, nhiều hộ còn mạnh dạn chuyển hướng xây dựng mô hình chăn nuôi như mô hình nuôi 700 con bò 3B của anh Trần Hoài Nam, thôn Việt Thắng tạo việc làm cho trên 10 lao động với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

Còn tại vùng đất bãi ven sông Luộc xã Tân Lễ, hàng trăm hộ dân nơi đây phát triển theo hướng chuyên canh cây ngô. Mỗi năm giá trị sản xuất tại vùng đất bãi chiếm 20% giá trị sản xuất nông nghiệp của xã. 

Ông Hà Duy Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 170ha đất bãi, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Ngoài trồng ngô, toàn xã còn có 21 hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay chúng tôi tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm giúp bà con và đưa giống ngô mới có năng suất cao vào gieo trồng trong vụ tới.

Anh Trần Khắc Cường, thôn Phú Hà, xã Tân Lễ (Hưng Hà) chăm sóc ngô trên vùng đất bãi.

Anh Trần Khắc Cường, thôn Phú Hà, xã Tân Lễ cho biết: Với 3 sào đất bãi, tôi luân canh 4 vụ/năm, trong đó 3 vụ chính trồng ngô, 1 vụ trồng đậu tương, đỗ, lạc... Vì đây là vùng đất tơi xốp rất phù hợp với trồng ngô nên mỗi vụ tôi thu từ 15 - 20 triệu đồng/sào, cao gấp 2 - 3 lần trồng cây màu khác. Ngoài ra, tôi tận dụng thân ngô làm thức ăn nuôi 10 con bò. Vụ xuân tới tôi tiếp tục thuê thêm đất bãi để mở rộng diện tích trồng ngô.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Để đánh thức tiềm năng vùng đất bãi, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân tăng hệ số sử dụng đất. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, lộ trình cụ thể, xác định rõ các loại cây trồng có giá trị cao để tổ chức chỉ đạo sản xuất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tận dụng mặt nước có sẵn để nuôi cá lồng, phát triển nguồn lợi thủy sản. Kịp thời có cơ chế hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất. Việc tổ chức tốt hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững trên vùng đất bãi sẽ đánh thức, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng về một vùng đất phù sa màu mỡ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất bãi đã mang lại sức sống mới cho vùng đất này, đất đai được khai thác hiệu quả hơn, người nông dân từ đó cũng năng động hơn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng với yêu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, góp phần không nhỏ trong xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.


Thanh Thủy