Thứ 3, 23/07/2024, 03:23[GMT+7]

Tập trung huy động nhân lực, phương tiện để thu hoạch tối đa diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch

Thứ 3, 12/10/2021 | 15:26:46
2,592 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ huy PCTT - TTCN tỉnh với các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai công tác ứng phó với mưa, bão vào sáng ngày 12/10. Dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Video: 121021-KET_KUAN_CUA_DONG_CHI_NGUYEN_KHAC_.mp4

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 7

Bão số 7 đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hơn 5.900ha lúa mùa bị nghiêng, đổ; hơn 3.400ha bị ảnh hưởng nhẹ. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã chủ động vận hành một số trạm bơm tiêu úng cục bộ cho hoa màu, cây vụ đông bị úng; huy động nhân lực và phương tiện, máy móc thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đến kỳ thu hoạch; dựng, buộc diện tích lúa bị đổ; đồng thời khẩn trương khắc phục diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng của mưa bão. Tính đến ngày 11/10, toàn tỉnh đã thu hoạch được 41.220ha/76.668ha lúa mùa, đạt 53,8% tổng diện tích; trong đó, Quỳnh Phụ 7.500ha, Hưng Hà 10.120ha, Đông Hưng 7.000ha, Thái Thụy 5.750ha, Kiến Xương 3.500ha, Vũ Thư 6.500ha, Tiền Hải 250ha, thành phố Thái Bình 600ha. Cây màu hè thu cơ bản đã thu hoạch xong với tổng diện tích 9.134ha, diện tích cây vụ đông đã trồng đạt 12.675ha, đạt 35,2% kế hoạch đề ra.

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại cuộc họp.

Chủ động phương án phòng, chống bão số 8

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão số 8 (bão Kompasu) ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc, 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 120km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25 - 30km và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của bão số 8 kết hợp với không khí lạnh từ chiều ngày 13/10, vùng biển ngoài khơi các huyện Thái Thụy và Tiền Hải có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; trên đất liền có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Từ chiều và tối ngày 13/10 đến ngày 15/10 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh nhận định: Tuy bão số 7 đã suy yếu trước khi vào đất liền và không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta, nhưng ảnh hưởng của bão đúng thời điểm nhiều diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh chưa đến kỳ thu hoạch nên gây thiệt hại đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bão số 8 được dự báo là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, dự báo có khả năng cao đổ bộ vào Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta đúng vào thời điểm triều cường cao nhất tháng kết hợp với gió mùa Đông Bắc có thể gây mưa và gió lớn.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 8 gây ra, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 7, chủ động ứng phó với bão số 8; huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch tối đa diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo dựng, buộc diện tích lúa bị đổ, kiên quyết không để lúa bị ngập nước mọc mầm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; sau mưa khẩn trương khắc phục diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng của mưa bão và tiếp tục gieo trồng bù lại diện tích đã bị chết. Khẩn trương thực hiện tốt việc tiêu úng, ngành Nông nghiệp chỉ đạo hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình và các huyện, thành phố đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống, tiêu kiệt nước mặt ruộng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra; tận dụng tiêu tự chảy, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ các trạm bơm tiêu, kịp thời tu bổ các hư hỏng để chủ động triển khai tiêu úng, sẵn sàng kích hoạt tất cả các trạm bơm tiêu để kết hợp phòng úng tối đa cho sản xuất nông nghiệp. Công ty Điện lực Thái Bình chủ động cung cấp điện 24/24h và tu sửa kịp thời các sự cố về điện, phục vụ bơm tiêu úng. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc cấm biển theo Công điện số 14 ngày 8/10 của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện Tiền Hải, Thái Thụy nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại nơi neo đậu, không để va chạm, vỡ, chìm tàu khi bão đổ bộ; tuyệt đối không cho người dân canh coi tại các chòi ngao, đầm quay trở lại chòi, đầm trong thời điểm này, nếu phát hiện phải khẩn trương di dời trước 18 giờ ngày 13/10 và có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết; có phương án di chuyển nhân dân ở các nhà yếu, nhà tập thể, bệnh xá, trường học không bảo đảm an toàn đến nơi an toàn. Khẩn trương kiểm tra, rà soát, lên phương án chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại... trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh cũng yêu cầu các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành thường xuyên túc trực, hạn chế tối đa cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác thu hoạch lúa mùa, tiêu úng và chủ động ứng phó với bão số 8; đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, tham mưu, đề xuất với tỉnh phương án hỗ trợ cây giống để giúp nhân dân phục hồi sản xuất, đề nghị trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án hỗ trợ mở rộng phát triển cây vụ đông ưa lạnh trong thời gian tới.

Tin: Nguyễn Thơi

Ảnh: Thành Tâm