Chủ nhật, 24/11/2024, 16:33[GMT+7]

Triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Thứ 6, 29/10/2021 | 15:20:11
5,585 lượt xem
Sáng ngày 29/10, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: 2910_chien_luoc_quoc_gia_mixdown.mp3

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo một số sở, ngành.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/10/2021. Theo đó, mục tiêu cụ thể: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, đến năm 2030 cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014, đến năm 2050 cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014; xanh hóa các ngành kinh tế, đến năm 2030 tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1 - 1,5%/năm, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%, kinh tế số đạt 30% GDP, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và đến năm 2050 tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1%/năm, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25 - 30%, phấn đấu kinh tế số đạt 50% GDP, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%, ít nhất 60% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định đạt 95% và đến năm 2050 tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định đạt 100%; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Các đại biểu đã thống nhất kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm: tham vấn các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại xanh; xây dựng khung huy động nguồn lực tài chính và đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng danh mục các dự án trọng điểm về tăng trưởng xanh. Đại diện một số bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế phát biểu làm rõ hơn về kinh nghiệm triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 đồng thời đề xuất những kiến nghị để thực hiện có hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định việc ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có ý nghĩa lớn, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải cacbon thấp, trung hòa cacbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu; đồng thời, là phương thức quan trọng để kinh tế phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 1658, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất triển khai thực hiện chiến lược với nhận thức đó là tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức liên quan.

Minh Hương