Thứ 6, 29/11/2024, 00:39[GMT+7]

Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội Kỳ 1: Phát huy cao độ những kết quả đạt được

Thứ 3, 16/11/2021 | 08:33:25
3,716 lượt xem
Thời điểm này, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang ra sức thi đua với quyết tâm và nỗ lực cao nhất để phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2021 đạt từ 9,1% so với năm 2020.

Vùng sản xuất chuyên màu của xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Tạo môi trường ổn định để sản xuất, kinh doanh

Đã gần 2 năm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và đợt dịch thứ tư diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, tại Thái Bình, đến nay tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát. Để có được kết quả đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị của tỉnh, toàn dân, toàn quân, nhất là các lực lượng y tế, quân đội, công an và các địa phương vào cuộc rất quyết liệt với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân là trên hết, trước hết”. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo các nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ”, “5K + vắc-xin”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế và quản lý, theo dõi sức khỏe người dân; đồng thời, tập trung kiểm soát nguồn lây, khoanh vùng, truy vết thần tốc các trường hợp liên quan đến F0, quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra, vào, đi qua tỉnh, nhất là người từ địa phương có dịch.

Thời gian gần đây số ca nhiễm Covid-19 tăng; dịch xâm nhập qua nhiều hình thức như: người đến và về tỉnh tự do, người đi khám chữa bệnh, người hoàn thành thời gian cách ly ở tỉnh ngoài về, người đi trên các phương tiện công cộng và cá nhân về tỉnh..., trong đó có ca lây nhiễm trong cộng đồng, có tiếp xúc rộng. Nhưng bằng những kinh nghiệm trong gần hai năm phòng, chống dịch và sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát, từ đó tạo môi trường ổn định để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với vai trò cơ quan chủ lực trong phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế chủ động tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát đối với các trường hợp liên quan tại các ổ dịch; tập trung truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm nhanh các trường hợp nguy cơ, trên cơ sở đó có biện pháp quản lý, cách ly phù hợp; đồng thời, xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Duy trì tăng trưởng ở cả ba ngành kinh tế mũi nhọn

Là một trong những ngành chủ lực, đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế của tỉnh, trước tác động của dịch Covid-19, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng. Đến hết tháng 10/2021, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 62.891 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai thác ước tăng 8,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 15,2%, sản xuất truyền tải và phân phối điện ước tăng 3,9%, cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải ước tăng 18,3%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 như: cần gạt nước, sương, tuyết tăng 180,9%, túi khí an toàn tăng 115,3%, tàu đánh bắt thủy hải sản tăng 2,4 lần... Để vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường tìm kiếm khách hàng mới, nguồn cung mới, lên phương án ứng phó khi có dịch xảy ra, liên tục trao đổi với khách hàng để tạo sự yên tâm, kết nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, qua đó ổn định sản xuất. Chính vì thế, đến tháng 10/2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020; toàn tỉnh đã có 241 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2020; đồng thời, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 673 doanh nghiệp, 64 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc với tổng kim ngạch ước đạt 3.218 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2020 (kim ngạch xuất khẩu tăng 35,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 29,2%).

 Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả công tác khuyến công, khuyến thương và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và phát triển thị trường mới; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu để giữ vững ổn định thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất.

Không chỉ duy trì những kết quả đã đạt được ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại, trong những tháng cuối năm, tỉnh chú trọng chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ở cả ba lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở đó bù đắp lại thiệt hại của các ngành sản xuất khác do tác động của dịch Covid-19. Một trong những giải pháp trọng tâm được triển khai thực hiện là tổ chức hội nghị trực tuyến tới tận xã, phường, thị trấn phát động phong trào trồng cây vụ đông ưa lạnh, trích ngân sách gần 14 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thành phố mua, cấp phát giống rau màu, khoai tây để khôi phục sản xuất vụ đông do ảnh hưởng của bão số 7, số 8; phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2021 đạt 36.000ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 3.020 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cây trồng, vật nuôi, xử lý kịp thời các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh. Phát huy thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản ven biển, duy trì mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá lồng trên sông, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng như khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

(còn nữa)
Minh Hương