Thứ 2, 29/07/2024, 03:23[GMT+7]

Quỹ TDND Quốc Tuấn Giúp nông dân phát triển kinh tế

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:47:59
979 lượt xem
Với sự cố gắng phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên, năm 2012, Quỹ TDND Quốc Tuấn đã thu được kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận thu được 181 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu hàng năm luôn dưới 1% tổng dư nợ cho vay. Thị phần của Quỹ từng bước được mở rộng, chiếm trên 60% tổng nguồn vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng trên địa bàn xã.

Hoạt động giao dịch của cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân Quốc Tuấn Ảnh: Thành Tâm

Trong những năm qua, Quốc Tuấn (Kiến Xương) luôn giành thắng lợi trong phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đạt được những kết quả đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Quốc Tuấn luôn tạo thuận lợi giúp nông dân phát triển kinh tế.

 

Quỹ TDND Quốc Tuấn được thành lập từ 18/11/1996. Trải qua hơn 16 năm hoạt động, đến nay, Quỹ đã mở rộng địa bàn hoạt động ra xã Bình Nguyên và An Bình với tổng số thành viên lên tới 2.051 người, tăng 162 thành viên so với năm 2011. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Nam – Giám đốc Quỹ TDND Quốc Tuấn cho biết: Quỹ luôn coi công tác tạo lập nguồn vốn là nhiệm vụ hàng đầu, tích cực, chủ động khai thác mọi nguồn vốn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của thành viên.

 

Năm 2012, mặc dù tình hình giá cả, lạm phát tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là hậu quả nặng nề của cơn bão số 8, song tổng nguồn vốn của Quỹ vẫn đạt 33,983 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1,246 tỷ đồng, vốn vay Chi nhánh Quỹ TDND Trung ương 6,45 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi dân cư 25,501 tỷ đồng và vốn khác 786 triệu đồng. Cùng với công tác huy động vốn, nhờ áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất cho từng thời điểm, không gây phiền hà đặc biệt trong thời điểm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên hoạt động cho vay của Quỹ luôn đáp ứng được nhu cầu của các thành viên. Đến ngày 31/12/2012, tổng số dư cho vay của Quỹ đạt 32,769 tỷ đồng, trong đó, cho vay sản xuất nông nghiệp 13,861 tỷ đồng, cho vay kinh doanh dịch vụ 10,94 tỷ đồng và cho vay khác 6,34 tỷ đồng. Đồng vốn cho vay được các thành viên sử dụng rất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, đồng thời giúp nhiều thành viên thoát nghèo vươn lên làm giàu như: Phạm Thị Hằng (thôn Đắc Chúng Bắc, sản xuất kinh doanh), Vũ Văn Bường (thôn Đắc Chúng Nam, phát triển chăn nuôi lợn), Phạm Văn Vượng (thôn Đắc Chúng Trung, kinh doanh thức ăn chăn nuôi), Trần Thanh Lịch (thôn Thụy Lũng Nam, buôn bán sửa chữa xe máy)… Công tác an toàn kho quỹ cũng luôn được bảo đảm. Đến nay, Quỹ đã trang bị được 5 két sắt bảo quản tiền mặt, các ấn chỉ có giá và thực hiện chế độ bảo vệ 24/24 nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của Quỹ.

 

Với sự cố gắng phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên, năm 2012, Quỹ đã thu được kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận thu được 181 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu hàng năm luôn dưới 1% tổng dư nợ cho vay. Thị phần của Quỹ từng bước được mở rộng, chiếm trên 60% tổng nguồn vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng trên địa bàn xã. Tuy nhiên, cùng với các kết quả đã đạt được, trong quá trình hoạt động,  vẫn còn một số hạn chế. Trình độ cán bộ tuy đã được đào tạo cơ bản song vẫn chưa đáp ứng kịp tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay. Trong công tác hạch toán kế toán, việc định khoản tài khoản kế toán, ký giám định các chứng từ còn có những thiếu sót, việc thẩm định món vay thiếu chính xác nên việc phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa hợp lý, công tác kiểm tra, kiểm soát thiếu chặt chẽ.

 

Khắc phục tình hình đó, ngay từ đầu năm 2013, Quỹ đã kịp thời chấn chỉnh và dần đưa hoạt động đi vào ổn định, phát triển, tiếp tục tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Giai đoạn 2012-2017, Quỹ phấn đấu tổng nguồn vốn hàng năm tăng 20-25%, trong đó vốn điều lệ tăng 5-8%, vốn huy động tăng 20-25%; dư nợ cho vay tăng 20-22%/năm; nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ; lợi nhuận trung bình 140 triệu đồng/năm. Với mục tiêu đó, bước sang năm thứ hai của nhiệm kỳ, Quỹ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể từ xã đến thôn, xóm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự tin tưởng nhằm tăng vốn huy động nhàn rỗi trong dân cư. Bên cạnh đó, Quỹ cũng bố trí nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, trung hạn đáp ứng nhu cầu cần thiết để tăng trưởng dư nợ; bám sát địa bàn hoạt động, mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn đồng vốn, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay. Ngoài ra, Quỹ cũng thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp nợ quá hạn để thu hồi vốn.

 

Tuy nhiên, để Quỹ hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững, chính quyền địa phương nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm kiểm soát khi công chứng các tài sản đưa vào thế chấp vay vốn. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cũng đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tài sản thế chấp, đồng thời cho phép địa phương có Quỹ TDND hoạt động được làm dịch vụ chi trả các khoản trợ cấp xã hội hàng tháng.    

                                          Minh Hương

               

 

  • Từ khóa