Thứ 6, 29/11/2024, 00:30[GMT+7]

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chuyển đổi thành công nhờ đồng thuận

Thứ 4, 01/12/2021 | 08:13:10
3,808 lượt xem
Hưng Hà được coi là vùng trọng điểm lúa của tỉnh với những cánh đồng bờ xôi ruộng mật. Nhưng trước đây, ở các vàn cao, vùng trũng vẫn có những cánh đồng, bãi đất để không, người dân gọi là đất trắng, có cấy chẳng có ăn. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, những vùng đất trắng ấy đã hồi sinh nhờ quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân.

Nông dân Hưng Hà chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đưa nhanh các giống cây trồng có giá trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cây ăn quả đáp ứng tiêu chuẩn OCOP; xây dựng và ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp của Hưng Hà, mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện sẽ chuyển đổi khoảng 3.150ha, gồm: chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm 1.660ha, cây hàng năm 1.490ha.

Đồng chí Trần Hữu Nam 
Bí thư Huyện ủy Hưng Hà


Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, xã Chí Hòa tiến hành quy hoạch 3 vùng chuyển đổi với diện tích 92ha gồm: khu vực đầm sen cửa Miếu thuộc thôn Vân Đài; khu vực trồng bưởi thôn Nhuệ; riêng khu vực trồng cây dược liệu thôn Vân Đài chuẩn bị đưa vào gieo trồng. Các vùng sản xuất đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi... bảo đảm cho việc tưới, tiêu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa cho biết: Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và tạo mọi điều kiện cho các hộ tích tụ ruộng đất chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, rà soát quy hoạch vùng liền thửa, liền cánh để thực hiện chuyển đổi, chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, lưới điện để thuận lợi cho sản xuất.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại cho nông dân Hưng Hà những vườn cây trái sum suê.

Gia đình chị Nguyễn Thị Anh, thôn Nhuệ, xã Chí Hòa là một trong những hộ điển hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Chị đã mạnh dạn gom, thuê ruộng của bà con để mở rộng diện tích trên 3 mẫu trồng cây ăn quả. Trong đó chị bố trí trồng 150 cây bưởi hoàng, bưởi diễn, 300 trụ thanh long ruột đỏ, hàng trăm cây na Đài Loan và ổi Rubi. Trung bình mỗi năm chị cung cấp ra thị trường hàng chục tấn bưởi và thanh long với doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng. 

Chị Anh cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được tình trạng bỏ ruộng hoang, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU đã mở ra hướng đi mới giúp người dân chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ở xã Liên Hiệp đất đai màu mỡ, hầu hết là đất hai vụ lúa, tuy nhiên vẫn có những cánh đồng trũng khó canh tác. Khi có chủ trương chuyển đổi, người dân nhanh chóng đưa cây trồng mới vào sản xuất. 

Anh Đồng Quang Tình, thôn Chiêm, xã Liên Hiệp thuê 3 mẫu ruộng để trồng 1.000 gốc cam canh, 50 cây bưởi diễn; sau 3 năm triển khai, đến nay mô hình đã cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Tình cho biết: Mấy năm trước, vùng đất này cứ trồng lúa là bị thất thu; nhưng sau khi chúng tôi cải tạo bằng nhiều hình thức, đến nay đất đai đã màu mỡ, phì nhiêu, phù hợp với nhiều loại cây trồng... Nhờ thế mô hình của gia đình tôi phát triển tốt, cho thu nhập cao.

Trang trại Surfam của gia đình anh Trần Văn Thưởng, xã Hồng An là một trong những điển hình tích tụ ruộng đất, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 5,5ha, anh trồng hàng nghìn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP như táo lê, ổi lê, cam vinh, cam đường... Ngoài trồng cây ăn quả, anh Thưởng còn nuôi gà thịt, tận dụng nguồn phân ủ mục bón cho cây trồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà khẳng định: Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như luồng gió mới khuyến khích, động viên nông dân trong huyện mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế. Hiện toàn huyện có 850ha cây ăn quả, một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm đặc thù của địa phương như bưởi Chí Hòa, cam Hòa Tiến, thanh long ruột đỏ Thống Nhất, thanh long tai xanh, vỏ vàng Hồng Minh, vùng hoa, cây cảnh Hồng Lĩnh... Chuyển đổi đã mang lại cho đồng ruộng Hưng Hà diện mạo mới, đất đai được khai thác hiệu quả hơn. Nông dân từng bước ứng dụng cơ giới hóa phát huy hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và giảm tình trạng bỏ ruộng hoang.

Như vậy, lĩnh vực trồng trọt của huyện Hưng Hà không chỉ có những cánh đồng hai vụ lúa mà còn có nhiều cánh đồng hoa, cây cảnh, những vườn cây trái sum suê. Đất sẽ được quay vòng không nghỉ, mùa nào thức ấy, người nông dân thêm nhiều cơ hội việc làm và thu nhập, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên.

Thanh Thủy