Thứ 2, 29/07/2024, 03:21[GMT+7]

"Tiếp sức" cho chị em vươn lên thoát nghèo

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:10:55
876 lượt xem
Trên tinh thần “Ở đâu có phụ nữ nghèo, ở đó có các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ”, năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh bằng uy tín, mối quan hệ đã tranh thủ, kêu gọi nhiều nguồn vốn hỗ trợ hội viên vay phát triển kinh tế gia đình, tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, chuyển giao KHKT, dạy nghề, tạo việc làm... Vì thế, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Được Hội Phụ nữ hỗ trợ vốn, dạy nghề, chị Đào Thị Hiên, xã Thái Dương (Thái Thụy) đã tạo dựng cơ sở thêu ren, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Gia đình chị Đỗ Thị Miền, thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy) kinh tế đã không dư dả, lại nuôi 2 con ăn học đại học nên càng túng thiếu, muốn phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi con đặc sản, tăng thu nhập nhưng lại thiếu vốn. Như hiểu nỗi lòng của chị Miền, Hội Phụ nữ xã đã đứng lên tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và Ngân hàng NN&PTNT cho chị vay 50 triệu đồng để biến kế hoạch làm giàu thành hiện thực. Có tiền, 2 vợ chồng chị Miền như được tiếp thêm sức mạnh, mạnh dạn vay thêm người thân, bạn bè đầu tư nuôi 2 ha thủy sản, 40 con dê, 4 lợn nái, cấy 4 sào ruộng khoán. Mưa thuận, gió hòa nên mỗi năm anh chị thu lãi 50 – 60 triệu đồng. Ngoài ra, chị Miền còn đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ móc sợi, có trên 100 chị em trong xã tham gia, thu nhập hàng triệu đồng một tháng. Kinh tế gia đình chị Miền và nhiều chị em khác giờ đã khấm khá hẳn lên. 

Phụ nữ chiếm tới 60% lực lượng lao động xã hội, trong đó đa số phụ nữ cả đời bám ruộng, bám đồng. Để giúp chị em nắm bắt thời vụ, chọn giống cây, con tốt, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, có điều kiện chăm sóc cây lúa và rau màu, các cấp hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, các HTX dịch vụ nông nghiệp triển khai thực hiện Đề án sản xuất vụ xuân, vụ mùa, vụ đông; mở trên 3.500 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, thu hút hơn 527 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tín chấp mua hàng nghìn tấn phân bón trả chậm giúp chị em bón lót kịp thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng cánh đồng mẫu, trong năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Trung tâm Khảo nghiệm và Khuyến nông tỉnh tập huấn cho trên 1.600 cán bộ, hội viên phụ nữ giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật thâm canh một số giống lúa mới năng suất cao (RVT), thâm canh lúa mùa và sử dụng phân bón đa chức năng. Ở Tiền Hải đã có gần 3.200 hội viên cấy 500 mẫu lúa RVT, năng suất đạt trên 2 tạ/sào. Vụ mùa năm 2012, 100% lúa của 4 xã làm điểm sử dụng phân bón vi sinh xử lý rạ sau thu hoạch được Công ty Giống cây trồng Trung ương thu mua làm thóc giống. Điều đó đã mở ra cơ hội làm giàu cho chị em, cũng tạo điều kiện cho các xã quy vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu.

Ông cha ta đã đúc kết 4 khâu quan trọng quyết định năng suất, chất lượng  cây trồng là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng vốn cũng là yếu tố quan trọng không kém, đặc biệt là với các hộ nghèo. Bởi không tiền không mua được giống tốt, phân tốt, con cái đi học sẽ khó khăn và không thể xây dựng được các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh bảo đảm sức khỏe. Chung tay, sát cánh, tích cực hỗ trợ hội viên, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng nhận ủy thác cho chị em vay vốn giải quyết những khó khăn trên. Số dư nợ đến nay là trên 819 tỷ đồng (tăng gần 60 tỷ đồng so với năm 2011), cho gần 50 nghìn người vay và 45 tỷ 468 triệu đồng cho 7.536 hộ vay xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch. Chủ động khai thác nguồn nội lực thông qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, tập trung vào hộ nghèo do phụ nữ làm chủ cũng được các cấp hội làm tốt, được đông đảo cán bộ, hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Trong năm đã có trên 16 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ nhận được sự giúp đỡ của các cấp hội, trong đó 1.311 chị đã vươn lên thoát nghèo; vận động hơn 115 nghìn chị giúp 43 nghìn chị ngày công, con giống, cho nhau vay không lấy lãi, trị giá trên 24 tỷ đồng.

Trước đây, một năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa. Vài năm gần đây chị em đã mở rộng sản xuất cây vụ đông, tích cực trồng rau màu, chăn nuôi gia trại, trang trại. Bận mải theo mùa vụ, xong mùa, thời gian nông nhàn vẫn nhiều, chị em rất cần việc làm thêm để tăng thu nhập, giải quyết thời gian nhàn rỗi hoặc có tay nghề vững vào làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” mà các cấp hội chú trọng thực hiện bằng cách phối hợp tổ chức gần 350 lớp học các nghề: may công nghiệp, may thời trang, tin học văn phòng, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thêu ren, móc hộp xuất khẩu, nấu ăn, tài chính vi mô… đã tạo điều kiện cho chị em có việc làm thêm phù hợp.

Bước sang năm 2013, các cấp hội sẽ thường xuyên khảo sát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động nguồn lực giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; duy trì, đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; tuyên truyền, vận động chị em tích cực thực hiện đề án quy vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa… Cơ hội được “tiếp sức” trong hành trình chinh phục đói nghèo và làm giàu của chị em vì thế ngày càng được tăng lên.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa