Thứ 2, 29/07/2024, 03:15[GMT+7]

Nơi mùa xuân đến sớm

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:13:20
1,500 lượt xem
Dạo quanh một vòng thôn Ðình Phùng, chúng tôi thấy không khí nơi đây thật trong lành, bao quanh xóm làng toàn là màu xanh của cây cảnh. Sôi động nhất trong thị trường mua bán cây thời điểm này là cây phát lộc.

Khách chiêm ngưỡng lẵng phát lộc. Ảnh: Thành Tâm

Trong khi người dân các địa phương vẫn còn mải mê với những công việc thường nhật thì ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân lại rộn ràng với nghề làm cây phát lộc để chuẩn bị cho dịp Tết. Không khí lao động tất bật bao trùm khắp xóm làng, người mua kẻ bán qua lại nhộn nhịp đã trở thành nét đặc trưng ở nơi đây. Dường như hơi thở của mùa xuân mới đã tràn về trên vùng quê cửa ngõ của huyện Đông Hưng ngay từ những ngày đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch.

Dạo quanh một vòng thôn Ðình Phùng, chúng tôi thấy không khí nơi đây thật trong lành, bao quanh xóm làng toàn là màu xanh của cây cảnh. Sôi động nhất trong thị trường mua bán cây thời điểm này là cây phát lộc. Nhà nào cũng làm loại cây này để bán, cây được bày ra khắp sân, khắp nhà, không còn lối đi. Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng thôn Ðình Phùng cho hay: cuối năm âm lịch là thời điểm người dân trong thôn tập trung mạnh nhất vào làm loại cây này. Cây phát lộc vốn có ở địa phương từ lâu nhưng nổi nhất là từ năm 1992 khi người dân trong thôn học được cách làm lẵng, chậu hình tháp từ Trung Quốc và năm nay có thêm hình dáng mới là lộc bình. Cả thôn có 4 ha của trên 100 hộ trồng phát lộc nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường. Bởi vậy ngoài làm cây ở vườn, hàng năm cứ vào dịp gần Tết các hộ lại đổ xô đi mua cây ở các tỉnh về làm. Cả thôn trung bình xuất bán khoảng 6.000 - 7.000 lẵng/năm với đủ các kiểu dáng từ 3 - 15 tầng có giá từ 90.000 đồng đến gần 5 triệu đồng/lẵng, đem lại thu nhập bình quân từ 40 - 50 triệu đồng/hộ. Cây thì làm quanh năm để bán nhưng rộ nhất là từ tháng 8  và bán chạy nhất là dịp gần Tết bởi khách thường mua về để trang trí trong nhà và làm quà biếu.

Theo ông Thế, lý do bán chạy nhất trong dịp Tết là bởi nó không chỉ để trang trí mà còn bao hàm ý nghĩa đầu năm đưa lộc về nhà. Ðây là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn trong năm mới gia đình được sung túc êm ấm, nhiều tài nhiều lộc và không loại cây nào thể hiện rõ bằng cây phát lộc. Vì thế mọi năm chỉ tới đầu tháng 11 âm lịch là nhà ông Thế cũng như bao nhà khác đã không còn lối vào nhà, không còn chỗ ngồi, tất cả đều dành hết cho cây. Ông Thế cũng là người trồng phát lộc sớm nhất vùng này, trung bình hàng năm ông trồng 4 sào, bán được trên 300 chậu, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Năm nay cũng chỉ mới đến tháng 11, ông đã bán được 400 chậu và dự tính sẽ mua cây về làm thêm vài trăm chậu nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều người trong thôn chỉ cần chở 1 chuyến xe đi Hà Nội trong một ngày đã bán được hàng trăm chậu phát lộc.

 Theo ông Thế, để làm ra một chậu phát lộc ngoài việc cần có các dụng cụ như bàn cắt, keo, dây đai, xi măng trắng thì đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật, chọn cây phải đều nhau, cắt mắt sao cho chúng ra đều. Nếu người biết chơi cây mua về sẽ để được tới 5 năm, tạo một không gian xanh và cảm giác thiên nhiên ngay trong phòng bởi thế nó thích hợp để bày và trang trí trên bàn làm việc, bàn học, phòng khách, tiền sảnh hoặc cửa ra vào và nhất là để làm quà biếu hoặc tặng người thân trong những dịp lễ, tết. Ưu điểm lớn nhất của loại cây này là rất dễ trồng, không cầu kỳ, không mất nhiều thời gian, ai cũng có thể chăm sóc được. Vào thời kỳ cao điểm, nhiều hộ trong làng đã thức trắng đêm để kịp làm theo đơn đặt hàng. Không chỉ nâng cao thu nhập đời sống gia đình, các hộ làm cây này còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài thôn với mức thu nhập ổn định. Chị Phạm Thị Hoa - người bán ‘’đỉnh’’ nhất mặt hàng này cho hay: cứ vào dịp Tết nhà chị lại thuê thêm 5-6 lao động chỉ để cắt ngọn, vẽ lá với tiền công  80.000 đồng/người/ngày.

Mặc dù nhà chị không trồng được cây phôi nhưng chỉ tính 1 tháng nay chị đã nhập hàng vạn cây và bán được gần 600 chậu, dự tính từ nay tới Tết sẽ bán thêm được 600 - 700 chậu nữa. Thuận hơn là năm nay chị chỉ làm hàng đặt không phải mất công đi bán ở các nơi nên số lượng bán được nhiều hơn gấp 3 lần năm ngoái. Không kém gì nhà chị, việc mua bán cây ở nhà anh Nguyễn Văn Lãng cũng đông vui như hội, vừa bán anh vừa nói: các anh chị thấy đấy, nhà nhà làm phát lộc, người người làm phát lộc. Mấy tháng cuối năm trong thôn chúng tôi nhộn nhịp đông vui, người đi kẻ đến mua cây. Ðã 10 năm làm phát lộc, trung bình mỗi năm bán được 500 lẵng, riêng dịp Tết bán khoảng 300 lẵng, cho thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng. Số lượng nhà trồng không đủ để bán nên mỗi năm tôi đều phải đi lấy thêm trên 10 chuyến ô tô cây về làm với số vốn khoảng 100 triệu đồng. Lợi thế hơn ở loại cây này là tận dụng được hết các phần của cây mà không phải bỏ đi tí nào. Thân cây dài thì cắm dài, thân ngắn cắt theo đoạn để cắm, phần ngọn lại tiếp tục trồng hoặc bán với giá 500 đồng/ngọn.      

Bình quân một sào phát lộc người dân thôn Ðình Phùng thu hoạch được 17.000 cây, làm ra trên 40 lẵng phát lộc, trừ chi phí thu lãi trung bình khoảng 40 triệu đồng. Như vậy chỉ tính riêng cây phát lộc cũng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Nhờ phát triển loại cây này mà đời sống người dân trong thôn ngày một nâng cao, nhà cao tầng mọc lên san sát, 90% số hộ trong thôn có nhà kiên cố, 100% hộ có các phương tiện đi lại và nghe nhìn, nhiều nhà có ô tô tiền tỷ. Cứ mỗi dịp Tết đến, người dân nơi đây lại không chỉ có một cái Tết no đủ mà còn là dịp để họ làm giàu.

 Thủy Thanh

  • Từ khóa