Thứ 4, 18/09/2024, 09:20[GMT+7]

Khơi thông dòng chảy hàng hóa vào thị trường châu Âu

Thứ 6, 03/12/2021 | 08:24:06
6,021 lượt xem
Các chuyên gia kinh tế ví Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) như mở ra con đường cao tốc giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng thâm nhập thị trường châu Âu đầy tiềm năng. Tại Thái Bình, sau một năm thực hiện Hiệp định EVFTA bước đầu đạt kết quả rất khả quan song vẫn chưa được như kỳ vọng, cần phải có giải pháp khơi thông dòng chảy cho hàng hóa vào thị trường châu Âu.

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh (khu công nghiệp Tiền Hải) vẫn duy trì ổn định sản xuất và có mức tăng trưởng khá. Có được kết quả đó là do Công ty đã thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đưa sản phẩm vào thị trường EU. Ông Tô Xuân Cảnh, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Để thâm nhập thị trường Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi tích cực xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ quốc tế để nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, Công ty đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất tiên tiến làm ra các dòng sản phẩm sứ cao cấp đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Hơn 1 năm qua, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, do được hưởng ưu đãi thuế quan nên các phẩm sứ Hảo Cảnh có thêm sức cạnh tranh, xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh.

Nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021 ước tính Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh sản xuất khoảng 3,7 triệu sản phẩm sứ vệ sinh và gần 240 triệu sản phẩm sứ dân dụng, doanh thu ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Điều quan trọng là điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động Công ty ngày càng được cải thiện hơn. 

Anh Đặng Hữu Hùng, quản lý sản xuất của Công ty cho biết: Vài năm trở lại đây, Công ty đã đầu tư nhiều máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến nên công nhân không phải làm việc nặng nhọc nữa, năng suất lao động tăng gấp gần 10 lần, thu nhập của chúng tôi cũng tăng, bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Hợp Thành chuyên sản xuất xơ sợi Polyester, 60% sản lượng được xuất khẩu vào EU. Một trong những yếu tố thành công đó là Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, công nghệ và quy trình sản xuất đạt các chứng chỉ quốc tế như GRS, Confidence in Textiles, REACH SVHC Statement. 

Ông Hoàng Phó Thuận, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cho biết: Để đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật về chất lượng, hình thức sản phẩm, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và an sinh xã hội cho người lao động, bảo vệ môi trường... Bình quân mỗi năm Công ty xuất khẩu khoảng 40.000 tấn xơ sợi, kim ngạch đạt 40 triệu USD. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu vào các nước EU giảm nên chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới, số lượng đơn hàng tăng 15 - 20% so với trước.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester của Công ty TNHH Hợp Thành đạt các chứng chỉ quốc tế như GRS, Confidence in Textiles.

Toàn tỉnh hiện có 50 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước EU như Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch... Ngoài Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh, Công ty TNHH Hợp Thành còn có một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, Công ty TNHH PS Vina, Công ty TNHH  Poongshin Vina, Công ty Sản xuất kinh doanh thủ công mỹ nghệ Tiến Thành... Tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU của tỉnh sau 1 năm thực hiện Hiệp định EVFTA ước đạt trên 250 triệu USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 2 tỷ USD, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 vẫn kéo dài. 

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa và các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Để tiếp tục tận dụng được các lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, theo bà Liên, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động nghiên cứu sâu về Hiệp định EVFTA, nắm được những cam kết, tiêu chí để được ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp sớm có giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh và bảo đảm sản phẩm xuất khẩu của mình đáp ứng được quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Về phía Sở Công Thương, trong thời gian tới Sở sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực công thương nói chung, lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa của các doanh nghiệp vào thị trường EU một cách thuận lợi nhất.

Khắc Duẩn