Thứ 6, 22/11/2024, 09:28[GMT+7]

Đột phá phát triển kinh tế biển Kỳ 1: Xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh

Thứ 2, 06/12/2021 | 08:05:46
4,333 lượt xem
Phát triển kinh tế biển bền vững là mục tiêu, chủ trương xuyên suốt; thời gian qua, bằng những chính sách phù hợp, Thái Bình đã đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế biển, trọng tâm là khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của vùng biển; biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thu mua hải sản tại cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy.

Thái Bình có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều trên 16.000ha, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Phát huy những lợi thế này, những năm qua Thái Bình đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển.

Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển (được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ), giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện và sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ, rất thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa. Đồng thời, khu vực ven biển của Thái Bình có lợi thế rất lớn về nguồn năng lượng điện, than và khí đốt tự nhiên với trữ lượng lớn, có thể khai thác lâu dài, cùng với quỹ đất ven biển, nguồn nhân lực tại chỗ khá dồi dào, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như: sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sứ dân dụng, thủy tinh cao cấp, khí mỏ, hóa chất... Ngoài ra, còn có lợi thế về bờ biển dài, bãi triều bồi rộng và cảnh quan thiên nhiên ven biển thuần khiết, đa dạng sinh học, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của Thái Bình thời gian qua đều xác định rõ các nhiệm vụ phải thực hiện; trong đó chú trọng xây dựng hệ thống đường trục kết nối với các trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế; các dự án đầu tư nuôi thủy sản công nghệ cao, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển có giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển.

Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy đánh bắt thủy hải sản.

Để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế nêu trên, những năm qua cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân thống nhất tư tưởng, nhận thức, xác định nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền lợi của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực ven biển; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các hạ tầng kết nối khu vực ven biển với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Một số dự án quy mô lớn, có tính động lực trong khu vực đã và đang hoàn thành đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả tích cực; các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Các huyện ven biển đã căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, tạo chuyển biến căn bản trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, tập trung rà soát lại cấu trúc của nền kinh tế và các quy hoạch, các chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở đó tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch; lựa chọn những dự án có hiệu quả để tập trung đầu tư; tăng cường quản lý, kiểm soát đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư; giải quyết kịp thời những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, huy động toàn dân chung sức bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai tại khu vực biển, ven biển. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuân thủ các quy định pháp luật trên vùng biển và ven biển của tỉnh.

(còn nữa)  

Mạnh Thắng - Lưu Ngần