Thứ 2, 29/07/2024, 03:18[GMT+7]

Đột phá phát triển kinh tế biển Kỳ 2: Bám biển làm giàu

Thứ 3, 07/12/2021 | 08:38:40
4,629 lượt xem
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh ven biển, Thái Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, tháo gỡ khó khăn về vốn để đóng mới tàu xa bờ; đồng thời, làm tốt công tác quản lý tàu thuyền, bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển, giúp ngư dân gắn bó với nghề như một dòng chảy không ngừng nghỉ.

Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thái Thụy.

Đến xã Đông Hoàng (Tiền Hải) hỏi ông Nguyễn Đình Thường hầu như ai cũng biết ông là người nuôi trồng thủy sản giỏi, quy mô lớn nhất vùng với ao nuôi tôm trên 2ha và 70ha nuôi ngao. 

Ông Thường cho biết: Hiện nay, lượng ngao, tôm thương phẩm của gia đình chỉ đủ bán cho thị trường Hà Nội, Thái Bình. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp huyện Tiền Hải, gia đình tiếp tục đầu tư trang thiết bị, thuê thêm kỹ sư, mở rộng diện tích nuôi thủy sản hướng đến chăn nuôi sạch bảo đảm vệ sinh môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm sạch. Trừ chi phí, nguồn thu hàng năm từ nuôi ngao, tôm thẻ của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 70 lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Với mục tiêu phát triển đánh bắt hải sản xa bờ, Thái Bình chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền. Toàn tỉnh hiện có 778 tàu cá với tổng công suất 122.299CV, trong đó có 227 tàu cá với chiều dài lớn nhất  L ≥ 15m, được trang bị máy thông tin liên lạc ICOM; hình thành 31 tổ đội khai thác xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Tích cực triển khai các giải pháp, triển khai thực hiện nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đến nay, 680/778 tàu cá đã được đăng ký (đạt 87,4%), 93,6% số tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình; các địa phương đang kiện toàn bộ máy, bổ sung và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cảng cá, tổ chức tập huấn về các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017.

Đối với anh Đào Đình Hùng, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), từ khi đầu tư nguồn vốn đóng mới tàu đã giúp anh vươn lên làm giàu từ biển. 

Anh Hùng chia sẻ: Nhờ các nguồn vốn được hỗ trợ vay cùng với vốn tích lũy của gia đình, tôi đã đầu tư đóng mới 1 tàu có công suất trên 300CV trị giá hơn 4 tỷ đồng. Từ khi nâng cấp phương tiện khai thác hiện đại, chuyển đổi ngư lưới cụ, trang bị thêm các thiết bị hiện đại nên sản lượng khai thác thủy sản đạt khá cao. Tàu của gia đình chủ yếu khai thác xa bờ ở các vùng biển Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa. Mỗi chuyến đi biển khoảng 3 - 6 ngày. Trừ chi phí thu về từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. 7 lao động trên tàu có thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Gia đình tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của nhà nước về vốn. Những chuyến ra khơi dù vất vả nhưng biển lại ban tặng cho bà con ngư dân cuộc sống đủ đầy, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ biển.

Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản đạt 91.520 tấn (tăng 32,6% so với năm 2016); giá trị sản xuất đạt 1.394 tỷ đồng (tăng 31,1% so với năm 2016). Kết quả đạt được trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy ngành chế biến thủy sản tăng sản lượng xuất khẩu trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có trên 108 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản hoạt động theo mô hình hộ gia đình và 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản. Nhiều sản phẩm thủy hải sản ở các địa phương ven biển được các cơ sở sản xuất chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm hướng tới xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Chế biến ngao tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình, Tiền Hải.

 Tiêu biểu như Công ty TNHH Nghêu Thái Bình (Tiền Hải), trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty đã tận dụng mọi lợi thế để duy trì sản xuất, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày chế biến gần 10 tấn ngao thương phẩm xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Úc và một số nước châu Âu. Ngoài việc chủ động vùng nguyên liệu đủ điều kiện đánh bắt, khai thác, chế biến của Công ty và được cấp mã Code truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Công ty còn mạnh dạn đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, công nghệ chế biến, chuẩn hóa quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Dự kiến năm 2021 Công ty TNHH Nghêu Thái Bình đạt sản lượng 8.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 triệu USD.


Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải


Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Tiền Hải đạt hơn 5.000ha, đóng góp tích cực cho ngành Nông nghiệp, chiếm 60% tổng giá trị sản xuất, giúp ngành Nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, phát triển quy vùng sản xuất, tăng trưởng hàng năm đạt 7% trở lên. Để phát triển thủy sản bền vững, huyện cùng với các ngành của tỉnh thực hiện quy hoạch, trong đó đang từng bước thực hiện khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích hơn 300ha tại các xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú. Thời gian tới, huyện sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư và thực hiện mô hình theo hướng bền vững, bảo đảm cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.


Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản


Để phát triển nuôi trồng thủy sản tạo ra một số sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, ngành thủy sản đã tập trung cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cả về sản phẩm và hình thức sản xuất. Trong đó, tập trung mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng; đổi mới, đa dạng các đối tượng nuôi, xác định đâu là đối tượng nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường.


Ông Nguyễn Văn Lang, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy


Trong thời gian qua, bà con ngư dân huyện Thái Thụy đã đầu tư các phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện nay, sản phẩm hải sản mới chỉ khai thác ở giá trị vật chất mà chưa chú trọng đến giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa. Do đó, để nguồn hải sản bà con ngư dân đánh bắt được tiêu thụ theo chuỗi sản xuất, mong rằng các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực thủy sản, có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân đi đôi với tạo điều kiện về vốn tín dụng để ngư dân chúng tôi có thể mở rộng đầu tư máy móc thiết bị, mở mang hoạt động sản xuất theo hướng xây dựng thương hiệu thủy sản theo địa phương, góp phần tạo nên giá trị bền vững cho hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

(còn nữa) 
Mạnh Thắng - Lưu Ngần