Thứ 2, 23/12/2024, 02:51[GMT+7]

Đột phá phát triển kinh tế biển Kỳ 4: Tạo đột phá kinh tế vùng biển

Thứ 5, 09/12/2021 | 08:57:28
5,212 lượt xem
Khu kinh tế Thái Bình được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa. Khu kinh tế được kỳ vọng trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1.

Trong giai đoạn hiện nay, một số khu công nghiệp (KCN) ở khu vực ven biển được hình thành, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tiêu biểu như KCN Liên Hà Thái có tổng diện tích trên 588ha, giai đoạn I nằm trên địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Tổng vốn đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khoảng 3.885 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 600 tỷ đồng; thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy hoạch, đây là KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao; các ngành nghề được ưu tiên thu hút đầu tư gồm điện, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm tin học, công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, dược phẩm, thực phẩm chức năng và sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao... 

Đó là những ngành nghề sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Ngoài vị trí đắc địa, giao thông kết nối thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và hàng không, KCN Liên Hà Thái còn có quỹ đất phát triển công nghiệp lớn với hơn 400ha; hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp trong Khu kinh tế Thái Bình gồm: Công ty TNHH Lotes Việt Nam, Công ty TNHH Greenworks Việt Nam, Công ty Jeanson Industrial Limited; ngày 26/11 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Ohsung Vina (công ty thành viên của Công ty TNHH Ohsung Display) và Công ty Cổ phần Green i-Park - nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái... Theo tính toán của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, mỗi năm khu chức năng này sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 430 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, từ năm 2021 - 2025, Thái Bình phấn đấu cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, bảo đảm tương đối đồng bộ và đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; định hình phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh, gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng 55 - 60%, thương mại - dịch vụ 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 10 - 17%; tạo việc làm mới cho 30 - 40 nghìn lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh. 

Đến nay Thái Bình đã và đang hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 của 26 khu chức năng gồm KCN, khu đô thị - du lịch, khu cảng và khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao... Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư hạ tầng đăng ký và được tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết 15 KCN - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 5.000ha, bằng gần 18% diện tích Khu kinh tế. Ngoài hai dự án nhiệt điện đã và đang hoàn thành phát điện thương mại, có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió, trong đó một nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án nhà máy điện gió Tiền Hải giai đoạn I với quy mô công suất 40MW, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.  Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thái Bình có rất nhiều tiềm năng, điều kiện để thu hút đầu tư, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho Thái Bình thành lập Khu kinh tế với diện tích trên 30.000ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế, tỉnh đã nỗ lực để hình thành các khu công nghiệp trong Khu kinh tế. Tiêu biểu, KCN Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được thành lập trong Khu kinh tế và KCN này được tỉnh giao sứ mệnh tiên phong, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Công ty TNHH Ohsung Display (Hàn Quốc) tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Liên Hà Thái, ngày 26/11/2021



Đồng chí Phạm Ngọc Kế,Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải


Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tạo đồng thuận trong việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng nhanh chóng tại tuyến đường bộ ven biển và đường 221A; tập trung giải quyết các nút thắt khó khăn, vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo đúng kế hoạch đề ra. Khi hoàn thành các tuyến đường sẽ tăng cường khả năng kết nối giao thông với các địa phương lân cận, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt có ý nghĩa với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Đồng chí Phạm Văn Chung,Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy


Đối với KCN Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh, tạo động lực to lớn cho địa phương phát triển, vì vậy Huyện ủy, UBND huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của dự án và thực hiện tốt các quy định của nhà nước, sớm đồng thuận bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã hoàn thành, từ đó tạo thuận lợi để bàn giao sớm mặt bằng cho các nhà đầu tư vào KCN.


Ông Nguyễn Quang Đình, thôn Cam Đông,xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy


Tôi rất đồng tình, ủng hộ dự án KCN Liên Hà Thái, đây là dự án lớn của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong Khu kinh tế Thái Bình, trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh thời gian tới. Thời gian qua, gia đình tôi cũng như các hộ có đất thu hồi đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các bước giải phóng mặt bằng và đồng ý nhận tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Sự đồng thuận của người dân chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai hạ tầng KCN, đồng thời thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ, sẽ tạo việc làm cho con em địa phương cũng như người dân trong tỉnh.


Mạnh Thắng - Lưu Ngần