Thứ 2, 29/07/2024, 03:21[GMT+7]

Nỗ lực để khu công nghiệp Tiền Hải sớm “no” khí

Thứ 3, 05/02/2013 | 08:27:47
2,593 lượt xem
Khu công nghiệp Tiền Hải là một trong những khu công nghiệp đầu tiên được hình thành tại tỉnh ta và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục các khu công nghiệp của Việt Nam để kêu gọi đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết được duyệt thì diện tích giai đoạn I của khu công nghiệp rộng gần 251ha, thuộc loại lớn nhất so với 6 khu công nghiệp còn lại của tỉnh.

Một góc khu công nghiệp Tiền Hải

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm khiến hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất- kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải còn phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn khí mỏ phục vụ sản xuất. Ðể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai dự án vận chuyển và phân phối khí cung cấp cho KCN Tiền Hải và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Dự kiến, đầu năm 2014 tới dự án sẽ hoàn thành, giúp chấm dứt cảnh “đói” khí của các doanh nghiệp nơi đây trong suốt một thời gian dài.

 

KCN Tiền Hải là một trong những KCN đầu tiên được hình thành tại tỉnh ta và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục các KCN của Việt Namon> để kêu gọi đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết được duyệt thì diện tích giai đoạn I của KCN rộng gần 251ha, thuộc loại lớn nhất so với 6 KCN còn lại của tỉnh. Do có lợi thế về nguồn khí mỏ thiên nhiên làm nhiên liệu phục vụ sản xuất nên ngay từ năm 2009, KCN Tiền Hải đã lấp đầy 100% diện tích. Cũng vì vậy mà hầu hết các dự án đăng ký tại đây đều là các cơ sở sản xuất ngành hàng vật liệu xây dựng và sành, sứ, thủy tinh. Hiện KCN Tiền Hải đang có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Sản phẩm do các doanh nghiệp của KCN Tiền Hải sản xuất ra không chỉ có mặt ở trong nước mà còn được xuất sang nhiều nước trên thế giới. Trong đó một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và được thị trường chấp nhận, điển hình như sản phẩm gạch ốp lát của Công ty Viglacera, Công ty cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy gạch Mikado; sản phẩm thủy tinh, pha lê của Công ty Thủy tinh Pha lê Việt - Tiệp; sản phẩm sứ vệ sinh của Công ty sứ Ðông Lâm, Công ty sứ Hảo Cảnh… Sự ra đời của KCN Tiền Hải đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất CN - TTCN hàng năm của huyện Tiền Hải đạt khoảng 1.500 tỷ đồng và đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh của tỉnh năm 2010 đạt 1.680 tỷ đồng.

 

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy VIGLACERA Thái Bình tại khu công nghiệp Tiền Hải

 

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải đang phải đối mặt với khó khăn do nguồn khí mỏ thiên nhiên liên tục sụt giảm. Sản lượng khí thương phẩm khai thác năm 2010 chỉ đạt khoảng 6,5 triệu m3, sang đến năm 2011 tiếp tục giảm sâu còn 4 triệu m3 khiến cho các doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất. Ðể tháo gỡ khó khăn trước mắt, đã có phương án được đưa ra đó là xây dựng dự án khí hóa từ than cung cấp cho các doanh nghiệp, tuy nhiên dự án này được đánh giá là không khả thi do hiệu quả đầu tư thấp. Một phương án khác được tính đến là nén khí LNG, CNG hoặc LPG vào các bồn sau đó dùng xe chuyên dụng vận chuyển đến cung cấp cho các doanh nghiệp, thế nhưng phương án này cũng không khả thi vì giá thành cao, nếu bán với giá mà doanh nghiệp chịu đựng được thì chủ đầu tư sẽ bị lỗ từ 10 - 15%.

 

Trong bối cảnh phương án khả thi chưa có, còn sản lượng khí thì liên tục sụt giảm, các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải đã phải tự cứu mình bằng cách đầu tư xây dựng trạm khí hóa than hoặc thay thế bằng dầu FO. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “cực chẳng đã” bởi chi phí đầu tư khá cao, chỉ riêng thiết bị đã lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể chi phí mua nhiên liệu. Giải pháp này không chỉ khiến cho chi phí đầu vào tăng, làm giá thành sản phẩm đội lên theo mà chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng...

 

Sản xuất đồ sứ dân dụng ở Công ty cổ phần Gạch men sứ Long Hầu.

 

Ðể giải quyết triệt để tình trạng thiếu nhiên liệu phục vụ sản xuất tại KCN Tiền Hải, UBND tỉnh đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai dự án khai thác và cung cấp khí cho các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải và khu vực phía Bắc. Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí đã triển khai khoan thăm dò các lô 102, 103, 106 và 107 tại thềm lục địa vịnh Bắc Bộ. Qua thăm dò đã phát hiện các mỏ đều chứa dầu và khí. Trong đó lô 102 và 106, tức mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình có trữ lượng dầu và khí khá lớn, đáp ứng các tiêu chí để khai thác quy mô công nghiệp. Vì vậy Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã chỉ đạo Tổng công ty Khí lập dự án xây dựng hệ thống thu gom và phân phối khí cho KCN Tiền Hải. Hiện dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thống nhất vị trí tiếp bờ, vị trí tuyến đường ống, vị trí trạm xử lý và trạm phân phối. Ngoài ra, chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với huyện Tiền Hải và các ngành chức năng hoàn thành khâu rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, tập kết vật tư thiết bị phục vụ quá trình thi công…Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn I khoảng 65 triệu USD. Thời gian khai thác mỏ sẽ kéo dài trong khoảng 15 năm. Trong giai đoạn I của dự án sẽ đầu tư lắp đặt tuyến đường ống ngầm dưới đáy biển từ mỏ Thái Bình tới điểm tiếp bờ tại cồn Vành dài 13,7km. Từ đây sẽ tiếp tục lắp đặt tuyến đường ống gần bờ từ cồn Vành đến trạm tiếp bờ dài 5,28km, sau đó nối tuyến ống băng qua vùng nuôi trồng thủy sản tới KCN Tiền Hải dài 5,7km. Tại đây sẽ xây dựng trạm phân phối khí thấp áp để phân phối khí trực tiếp cho các doanh nghiệp qua hệ thống đường ống. Ðồng thời xây dựng hệ thống phân phối khí CNG bao gồm trạm nén khí và các xe bồn chuyên dụng vận chuyển khí cung cấp cho các tỉnh, thành phố trong khu vực (vì trước mắt các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải chưa sử dụng hết lượng khí đưa vào bờ).

 

Thời điểm này, chủ đầu tư  đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tập kết vật tư chuẩn bị cho lắp đặt đường ống, xây dựng các trạm và chạy thử nghiệm. Nếu mọi việc thuận lợi thì đến đầu năm 2014 sẽ chính thức vận hành hệ thống, mở đường van bơm khí cho KCN Tiền Hải. Việc đưa hệ thống phân phối khí vào hoạt động không chỉ giúp các doanh nghiệp nơi đây có nguồn nhiên liệu ổn định, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển mà còn tạo tiền đề quan trọng để mở rộng KCN Tiền Hải đáp ứng nhu cầu mặt bằng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Bài: Vũ Mạnh - Ảnh: Minh Ðức

 

 

  • Từ khóa