Thứ 3, 30/07/2024, 01:16[GMT+7]

Đưa nghề về quê

Thứ 6, 27/08/2010 | 09:17:41
2,685 lượt xem
Giới doanh nghiệp trẻ ở Thái Thụy ai cũng biết nghị lực của chàng trai trẻ Đinh Xuân Thuân ( Thái Học). Vốn là một thanh niên nông thôn với hai bàn tay trắng, sau 7 năm vào miền Nam làm ăn anh trở về quê hương mang nghề sản xuất nhựa để lập nghiệp, sau đó vươn lên thành lập công ty TNHH một thành viên Xuân Phát, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Công nhân công ty Xuân Phát đang vận hành máy sản xuất các sản phẩm nhựa. Ảnh: Thành Tâm

Anh Thuân cho biết: trước đây, cả hai bố mẹ đều làm ruộng, cuộc sống gia đình khó khăn nên sau khi học xong phổ thông, không chọn con đường học tiếp mà anh quyết định vào miền Nam làm ăn, kiếm tiền phụ giúp gia đình. 7 năm bôn ba trên đất khách cũng là thời gian Thuân trải nghiệm qua rất nhiều nghề để kiếm sống, cuối cùng anh vào làm cho một xưởng sản xuất nhựa.

Quá trình làm thuê, anh nhận thấy nghề này rất dễ làm, nguồn nguyên liệu sẵn có, nhu cầu thị trường lớn nên chú tâm vừa học vừa làm, dự định sau này sẽ mang nghề về quê lập nghiệp. Năm 2002, anh khăn gói ra Bắc với đồng lưng vốn ít ỏi thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Xưởng tái chế nhựa chính là nhà của bố mẹ. Hàng ngày, anh thu gom nguồn nhựa phế liệu cũ, mua máy thủ công về nghiền, ép làm thử những sản phẩm nhựa tái chế đơn giản  phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như nắp chai, vít nở... rồi đem đến các cửa hàng bán đồ nhựa để chào hàng.

Ban đầu, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, hàng làm ra do chưa quen mối tiêu thụ nên không bán được, có năm anh lỗ cả chục triệu đồng. Không nản, Thuân kiên trì đi tìm hiểu nhu của thị trường cần những sản phẩm gì thì  làm thứ đó nên sau vài năm xưởng tái chế nhựa của anh đi vào sản xuất ổn định, tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Thời điểm năm 2007, anh sản xuất  từ 40 đến 45 mẫu sản phẩm khác nhau như: vít nở đóng tường, các phụ kiện bình bơm, phụ kiện máy bơm nước, ke góc nhôm kính, chuôi dao nắm nhựa, nắp bình.... doanh thu đạt 1 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng. Lãi được đồng nào, anh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất đến đó. Và để có có tư cách pháp nhân trong sản xuất kinh doanh, anh đã đứng ra thành lập doanh nghiệp mang tên: công ty TNHH một thành viên Xuân Phát, chuyển xưởng sản xuất từ nhà ra khu đất mới rộng 1.500m2.

Đến nay, tổng vốn đầu tư của công ty đã lên tới 2 tỷ đồng, riêng chi phí nhập máy móc khoảng 1 tỷ đồng.  Kết hợp làm các sản phẩm từ nhựa tái chế, anh nhập thêm các hạt nhựa nguyên chất của Hàn Quốc về sản xuất các mặt hàng mới: nắp bệt, bóng cho trẻ em, chai lọ nhựa đựng dược phẩm, hoá chất, khung hàng mỹ nghệ..... Các loại máy móc như máy ép, máy thổi, máy cắt ...hoàn toàn tự động, sản xuất theo một chu trình khép kín, nguyên liệu đưa vào đến đâu cứ theo khuôn đúc sẵn cho ra sản phẩm đến đó.

Anh Thuân cho biết thêm: sản xuất sản phẩm từ nhựa này có một ưu điển là tận dụng được nguồn phế liệu có sẵn, tái chế ra những sản phẩm tiêu dùng có ích. Tuỳ theo đơn đặt hàng mà anh lựa chọn nguồn nguyên liệu là nhựa tái chế hay hạt nhựa nhập khẩu nguyên chất và bảo đảm yêu cầu chất lượng mặt hàng đặt ra. Nhờ vậy, khách hàng tìm đến đặt hàng ngày một đông. Thị trường không còn bó hẹp trong huyện, trong tỉnh mà mở rộng sang Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội....Bình quân mỗi năm, công ty tiêu thụ hàng chục ngàn tấn nguyên liệu. Riêng sản phẩm nắp bệt sứ, mỗi tháng hiện nay xuất xưởng khoảng 10 ngàn bộ. 

Năm 2009, tổng doanh thu đạt  khoảng 3 tỷ đồng, 10 công nhân đang làm việc tại xưởng sản xuất có mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng người/tháng. Không chỉ đầu tư sản xuất nhựa, anh Thuân còn đấu thầu thêm 5 ha đất khu vực cát cao của xã, chi phí 300 triệu đồng trồng mây và keo tai tượng. Sau hai năm, cả khu đất hoang hoá  trước đây cây đã cao quá đầu người, dự kiến chỉ khoảng 1 năm nữa cho thu hoạch không chỉ phục vụ nguồn nguyên liệu cho các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ, chế biến giấy mà chắc chắc anh cũng sẽ có một nguồn thu nhập đáng kể.

Từ hai bàn tay trắng, vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp khi mới 34 tuổi, anh thực sự là tấm gương để cho nhiều thanh niên học tập và làm theo. Với những thành công đó, anh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện. Hiện anh là thành viên của CLB doanh nghiệp trẻ huyện Thái Thụy. Dự kiến, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất; tuy nhiên khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để đầu tư sản xuất.

Vì vậy, anh mong muốn, tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp như của anh được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thêm nguồn vốn khuyến công tạo động lực để sản xuất ổn định hơn, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

 Nguyên Hình

  • Từ khóa