Thứ 2, 29/07/2024, 01:18[GMT+7]

Khơi dậy sức xuân vượt qua thử thách

Thứ 4, 06/02/2013 | 09:59:53
1,425 lượt xem
Hiếm có năm nào các doanh nghiệp tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm Nhâm Thìn vừa qua. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", "cái khó ló cái khôn", chính trong bối cảnh bộn bề gian khó đó mới thấy hết sự nỗ lực và sáng tạo của doanh nghiệp.

Một góc khu công nghiệp Phúc Khánh (Thành phố Thái Bình)

Hiếm có năm nào các doanh nghiệp tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm Nhâm Thìn vừa qua. Cùng lúc vừa phải gồng mình đối phó với suy thoái kinh tế thế giới, vừa phải căng sức chống chọi với cơn bão Sơn Tinh có sức tàn phá ghê gớm gây thiệt hại lớn cho hầu hết các doanh nghiệp. Khó chồng lên khó đã khiến giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2012 không đạt kế hoạch (12.639/ 13.627 tỷ đồng, bằng 92,75% kế hoạch năm). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp lùi về mốc một con số (8,24%) và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngay đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài  trước đây tăng tưởng rất cao, có năm tăng gấp đôi thì nay cũng phải dừng bước trước con số 10,99%. Trong số 20 sản phẩm công nghiệp chủ lực, mặc dù có tới 16 sản phẩm tăng trưởng so với năm 2011, chỉ có 4 sản phẩm sụt giảm sản xuất (khí đốt, áo khoác, comple, gạch xây) nhưng mức tăng rất thấp, trung bình từ 2- 5%, toàn ngành có 6 nhóm sản phẩm tăng trưởng trên 10% (tai nghe, tấm lát đường, áo sơ mi, khăn mặt, thức ăn gia cầm và cát tự nhiên). Cơn bão tài chính thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí là phá sản. Theo số liệu từ Cục thuế tỉnh, năm 2012 trên địa bàn tỉnh ta có 302 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 201 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh…

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", "cái khó ló cái khôn", chính trong bối cảnh bộn bề gian khó đó mới thấy hết sự nỗ lực và sáng tạo của doanh nghiệp. Rất nhiều công ty đã không chọn giải pháp cắt giảm nhân công để giảm bớt khó khăn mà chọn cách động viên người lao động đồng lòng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào (nguyên liệu, nhiên liệu, hội họp, mua sắm phương tiện cá nhân…), ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm giữ vững sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho công nhân. Đặc biệt, là sự vào cuộc rất tích cực của các ngành chức năng nhằm chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, hiếm có năm nào cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều "phao" cứu trợ của các ngành chức năng đến thế.

UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp; ngành Thuế vừa tổ chức hội nghị tư vấn cho người nộp thuế, vừa hoàn tất tác thủ tục miễn, giãn, giảm thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Chính phủ với tổng số tiền miễn, giãn, giảm thuế năm 2012 lên tới 233 tỷ đồng; ngành Ngân hàng  tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhờ vậy mà tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt mức hai con số, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước…

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Gạch ốp lát Thái Bình

Theo dự báo, tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2013 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, không có khả năng hồi phục mạnh. Các doanh nghiệp tỉnh ta  còn phải gánh khó khăn về thị trường đầu ra và khắc phục hậu quả cơn bão số 8. Tuy vậy, ngành Công Thương vẫn đặt quyết tâm đưa tổng giá trị sản xuất công ngiệp cả năm lên 14.218 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2012. Đây là mục tiêu khá nặng nề bởi lẽ tín hiệu thị trường chưa mấy sáng sủa, nội lực doanh nghiệp chưa kịp hồi phục. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu duy trì đà tăng trưởng ở mức cao và bền vững, ngành Công Thương cần thành lập đoàn công tác, tổ giúp việc thường xuyên giữ mối liên hệ với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty Trung ương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn tại tỉnh ta gồm: Trung tâm nhiệt điện, Nhà máy sản xuất Amon nitrat, lắp đặt đường ống dẫn khí cho KCN Tiền Hải, khai thác thử nghiệm mỏ than nâu.

Tiếp đến cần duy trì các hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn vay ưu đãi. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm th? trường mới, đưa hàng Việt về nông thôn nhằm giải phóng nhanh lượng hàng tồn kho cho doanh nghiệp để họ có vốn quay vòng mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh bổ sung hoàn thiện và đưa ra các cơ chế, chính sách mới khuyến khích mời gọi đầu tư, ưu tiên các ngành và lĩnh vực mà tỉnh ta có tiềm năng như chế biến nông sản, hải sản, sản xuất VLXD…Đặc biệt cần đưa ra được cơ chế để huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, nhất là hạ tầng các khu- cụm công nghiệp, chợ đầu mối…

 Bài: Vũ Mạnh 

Ảnh: Thành Tâm 

  • Từ khóa