Thứ 7, 28/12/2024, 01:56[GMT+7]

Thái Bình: Bứt phá năm đầu nhiệm kỳ

Thứ 7, 01/01/2022 | 08:57:52
7,088 lượt xem
Liên tiếp hai năm 2020, 2021, dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nhờ phát huy tốt kết quả cũng như kinh nghiệm chống dịch của năm 2020 cùng sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, năm 2021, Thái Bình tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trên diện rộng, từ đó tạo điều kiện quan trọng để kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng, tạo sự bứt phá trong năm đầu nhiệm kỳ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, ngày 23/9/2021.


Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2021:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020;
- Tổng giá trị sản xuất ước đạt 169.712 tỷ đồng, tăng 9,77%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 14%, khu vực thương mại, dịch vụ tăng 2,7%;
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,3%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 40,9%, ngành dịch vụ chiếm 29,6%, thuế sản phẩm chiếm 6,2%;
- Toàn tỉnh có 7.826 doanh nghiệp, 928 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 98.769 tỷ đồng;
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 54.884 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2020;
- Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 2%, giảm 0,35% so với năm 2020.


Thành công từ thực hiện mục tiêu kép

Nếu như năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,23% so với năm 2019 thì kết thúc năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 6,68% so với năm 2020, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Các nhiệm vụ và các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong năm 2021 cơ bản hoàn thành, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật nhất phải kể đến là sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất ước đạt 80.849 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020, vượt 1,2% so với kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.069 triệu USD, tăng 23,5% so với năm 2020, vượt 14,3% so với kế hoạch đề ra; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.632 triệu USD, tăng 21,3% so với năm 2020, vượt 11,6% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2021 còn được đánh dấu bởi thành công của công tác giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ giải ngân luôn đạt mức cao so với cả nước. Đặc biệt, với sự quyết liệt, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, Thái Bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư như Tập đoàn Kubo (Hà Lan), Tập đoàn Pondera (Hà Lan), Công ty TNHH Ohsung Display, Công ty Cổ phần Eurowindow Holding... Chỉ tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 6 dự án FDI vào Khu kinh tế Thái Bình với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (cao hơn tổng vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 - 2020) cùng một số dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải) với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, từ đó góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 17 cả nước và thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến nay, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 73 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 18.265 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2020.

Công tác thu ngân sách nhà nước cũng là một trong những dấu ấn nổi bật Thái Bình đạt được trong năm 2021. Mặc dù dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhưng tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt 149,7% dự toán với số thu ước đạt hơn 21.922 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2020; tổng thu ngân sách địa phương đạt 148,1% dự toán với số thu ước thực hiện hơn 18.057 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước thực hiện hơn 10.296 tỷ đồng, đạt 151,2% dự toán, tăng 32,9% so với năm 2020.

Khẳng định vai trò “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực với tổng giá trị sản xuất ước đạt 28.412 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2020. Nhờ chuyển mạnh sang gieo cấy lúa chất lượng cao, đổi mới phương thức gieo cấy theo hướng giảm diện tích gieo cấy thủ công, tăng diện tích gieo cấy bằng máy nên năng suất và sản lượng lúa không ngừng tăng lên, năm 2021 đạt 130,04 tạ/ha. Trong công tác nuôi trồng và khai thác thủy sản, toàn tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản ven biển, duy trì mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá lồng trên sông với 633 lồng nuôi cá, thể tích hơn 69.300m3.

Tạo nền tảng để duy trì đà tăng trưởng

Để tạo nền tảng duy trì đà tăng trưởng kinh tế, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu. Cùng với việc phát huy kết quả và kinh nghiệm chống dịch của năm 2020, tỉnh cũng rất quyết liệt, chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm vừa chấp hành nghiêm các chỉ đạo của trung ương vừa phù hợp với đặc thù của tỉnh và diễn biến tình hình dịch trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên đến nay tỉnh luôn kiểm soát tốt tình hình, không để dịch xuất hiện trong cộng đồng trong một thời gian dài. Từ kết quả công tác phòng, chống dịch đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự thống nhất trong hành động giúp tỉnh duy trì đà tăng trưởng kinh tế; đồng thời, tạo môi trường an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư vào tỉnh.

Cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thái Bình còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; tổ chức phát động các doanh nghiệp thi đua thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của các tỉnh, trên cơ sở đó tìm hiểu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng với đó, ngành Thuế cũng chủ động triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế nhằm giúp các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Khép lại năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đó cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 và những năm tiếp theo Thái Bình sẽ tiếp tục bứt phá, vươn lên tầm cao mới.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các nhà đầu tư dự án trên địa bàn huyện, thành phố, ngày 1/9/2021. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương

Năm 2021, ngành Công Thương có sự tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17%; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,5%; thương mại nội địa tăng 7,5% so với năm 2020. Có được kết quả đó là do tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Ngành Công Thương đã chủ động, kiên trì thực hiện mục tiêu kép; hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Sở Công Thương cũng chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị trong công tác xúc tiến đầu tư và giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, sự chỉ đạo sát sao trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của tỉnh, của ngành và triển vọng phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Triển khai tích cực và có hiệu quả các giải pháp, năm 2021, kinh tế của Quỳnh Phụ đạt mức tăng trưởng khá, đứng thứ hai toàn tỉnh với tổng giá trị sản xuất ước đạt 20.706,1 tỷ đồng, tăng 10,25% so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, đặc biệt là ngành trồng trọt với tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 31.978ha, tăng gần 19ha so với năm 2020; trong đó, vụ xuân được mùa toàn diện, năng suất xếp thứ hai và vụ đông dẫn đầu toàn tỉnh. Huyện đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19; là địa phương đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, huyện tích cực động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khắc phục khó khăn, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động chuẩn bị tốt phương án sản xuất, kinh doanh khi có tình huống dịch xảy ra.

Đồng chí Vũ Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình

Kết thúc năm 2021, tổng thu ngân sách do Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện đạt 171,5% dự toán Bộ Tài chính với số thu đạt 1.887 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2020. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Chi cục có được kết quả đó là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chi cục luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Cục Hải quan Hải Phòng; đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực trong việc kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn về làm thủ tục hải quan tại Chi cục. Năm 2021, Chi cục đã làm thủ tục hải quan cho hơn 340 doanh nghiệp, trong đó có 220 doanh nghiệp làm thủ tục thường xuyên; giải quyết thủ tục thông quan cho hơn 54.400 tờ khai nhập khẩu và hơn 53.300 tờ khai xuất khẩu. Đến nay, tất cả các thủ tục đều được Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện trên hệ thống điện tử, trong đó số tờ khai luồng xanh chiếm tới 90%.
Những kết quả Chi cục Hải quan Thái Bình đạt được trong năm 2021 không chỉ tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn là cơ sở, tiền đề cho Chi cục tiếp tục thực hiện thắng lợi dự toán được giao năm 2022 với tổng thu 1.600 tỷ đồng ở mức cao nhất.

Kim Ngân - Khắc Duẩn

  • Từ khóa