Thứ 2, 29/07/2024, 01:31[GMT+7]

Tiền Hải Biển và người cùng hát khúc tình ca

Thứ 6, 08/02/2013 | 17:23:18
912 lượt xem
Kinh tế biển được Tiền Hải xác định là một trong những mũi nhọn để đi lên và đi ra. Qua hơn 10 năm (bắt đầu từ năm 2000), đến 2012 giá trị sản xuất thủy sản toàn huyện ước đạt 415 tỷ đồng, làm cho bức tranh kinh tế - xã hội của huyện thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân nâng cao tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Tiền Hải và đại diện một số sở, ban, ngành trồng cây chắn sóng tại Cồn Vành (Nam Phú, Tiền Hải)

Khi cái tên Tiền Châu được thay bằng Tiền Hải, đến tận thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ XX, hơn 23 km dải bờ biển Tiền Hải vẫn là vùng đất hoang sơ với các bãi lau, lác, muống biển và từng vạt phi lao vi vút, buồn bã. Trong các nhiệm kỳ đại hội từ 1990 đến nay, nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ Tiền Hải là lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa hết đói, giảm được nghèo, thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế biển được Tiền Hải xác định là một trong những mũi nhọn để đi lên và đi ra. Qua hơn 10 năm (bắt đầu từ năm 2000), đến 2012 giá trị sản xuất thủy sản toàn huyện ước đạt 415 tỷ đồng, làm cho bức tranh kinh tế - xã hội của huyện thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân nâng cao tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới.

Khởi đầu từ thành công của Nam Cường cải tạo hơn 100 ha ruộng lúa năng suất thấp thành vùng ao đầm nuôi tôm, lần lượt các xã Nam Thắng, Nam  Thịnh, Đông Hoàng, Đông Long... phát động phong trào dồn đổi ruộng để nuôi trồng thủy, hải sản. Hợp tác xã sản xuất  muối Hải Châu (Đông Minh) cũng nhân đà đó cải tạo đồng muối hiệu quả thấp sang nuôi tôm và nuôi cua. Hiện Tiền Hải đã đưa diện tích nuôi thả thủy - hải sản lên tới 4.530 ha (tăng 11,2% so với năm 2011), tổng sản lượng nuôi trồng năm 2012 ước đạt 47.350 tấn (tăng 21,1%). Trong đó, diện tích nuôi nước lợ là 1.923 ha, diện tích nuôi thả ngao là 1.700 ha, còn lại là diện tích nuôi nước ngọt. Hướng ra biển, một số hộ ở Nam Thịnh đầu tư mua lưới vây thành vùng nuôi thả ngao, rồi các bãi triều Nam Phú, Đông Minh... cũng dày đặc các vây tạo ra một vùng sản xuất ngao hàng hóa nhất nhì các tỉnh phía Bắc (sản lượng 40.000 tấn/năm).

Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi trồng, Tiền Hải đã từng bước đưa khoa học - kỹ thuật đến với người sản xuất, xóa bỏ nuôi quảng canh, chuyển sang nuôi bán thâm canh, nhờ vậy năng suất mỗi năm một cao. Đông Minh có 495,6 ha đầm hồ và bãi triều ven biển, sau khi đưa kỹ thuật ươm nuôi vào, giá trị sản xuất thủy sản năm 2012 đạt 136,5 tỷ đồng, trong đó ngao thương phẩm đạt 118 tỷ đồng, năng suất tôm sú mỗi năm đạt bình quân hơn 980kg/ha, sản lượng 110 tấn/năm.

Nhiều cá nhân của huyện trở thành điển hình tiên tiến như ông Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Vinh (Nam Thịnh) được Chính phủ tặng bằng khen về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi; ông Trương Quốc Trị với thành tích ương nhân một số  giống thủy sản được Trung ương Hội Nông dân tặng danh hiệu “Sao thần nông”. Nuôi thả phát triển tất yếu phát sinh nghề mới đó là ươm, tạo giống. Các doanh nghiệp của các ông Vũ Công Đình (Đông Minh), Phạm Trường (Nam Phú) vừa cho ngao sinh sản, vừa ươm giống cung cấp cho các hộ nuôi, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động và đóng góp thuế cho ngân sách. Từ mấy trăm chiếc thuyền đánh bắt ven bờ, ven biển, đến nay Tiền Hải đã có 904 tàu thuyền, trong đó 10 tàu có công suất từ 300CV trở lên, 116 tàu  công suất từ 40 - 90 CV. Sản lượng khai thác theo đó nhanh chóng tăng theo thời gian. 5 năm trước mới đạt sản lượng 5.750 tấn thì nay lên tới 11.500 tấn, mang về giá trị khai thác hơn 85 tỷ đồng. Ngoài ra, đây còn là lực lượng góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển của Tổ quốc. Huyện đã đầu tư gần 12 tỷ đồng/ 28 tỷ đồng xây dựng bến cá Cửa Lân, làm nơi cho tàu thuyền neo đậu, ẩn tránh khi thiên tai ập đến và có kế hoạch tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn thuận tiện. Phát triển công nghiệp không khói cũng là hướng đi tích cực của Tiền Hải, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh lập dự án phố biển Đồng Châu, tìm kiếm hướng đi cho khu du lịch Cồn Vành.

Biển đã mang lại cho Tiền Hải tiềm năng kinh tế lớn, trên 4.000 lao động, 786 hộ nuôi trồng gồm 1.854 khẩu, 372 chủ đầm vùng, 903 phương tiện tàu thuyền... chẳng những xóa đói giảm nghèo mà còn giàu lên nhanh chóng. Vào những ngày chuẩn bị đón xuân Quý Tỵ, chúng tôi trở lại Nam Phú, nơi từng là điểm nóng về vấn đề rừng ngập mặn. Nay Nam Phú đã đổi khác, trên 600 ha rừng được chăm sóc bảo vệ chu đáo, nhiều mô hình phát triển kinh tế theo chương trình của tổ chức MCD (định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo lĩnh vực sinh kế mới giải quyết việc làm và thu nhập). Các ông Ngoan, Thục là chủ đầm sinh thái, vừa trông coi rừng ngập mặn vừa khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên cho biết, họ hài lòng với mức thu nhập của biển đem lại. Nhiều hộ gia đình áp dụng nuôi cá rô phi kết hợp với tôm sú vừa giảm bệnh cho tôm vừa tận dụng diện tích mặt nước cho năng suất, chất lượng cao. Những người  đi biển (đánh bắt nhỏ ven bờ, lao động phục vụ thu hoạch) cũng hân hoan vì mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/người.

Qua Cồn Vành, dấu tích tàn phá của bão Sơn Tinh vẫn còn nhưng từ vết cắt tại chỗ gãy của những cây thông, cây phi lao... những lộc non xanh đã nhú, căng tràn sức sống mùa xuân. Những ánh mắt lấp lánh niềm vui của người đi biển, tiếng sóng biển rì rào êm dịu... Khung cảnh xuân hòa quyện, biển dâng hiến cho người; người nâng niu, gìn giữ biển và cùng cất lên khúc tình ca mùa xuân.

Bài, ảnh: Phan Lợi

 

  • Từ khóa