Thứ 7, 28/12/2024, 02:42[GMT+7]

Nuôi ong - hướng phát triển kinh tế mới

Thứ 5, 06/01/2022 | 08:27:14
4,590 lượt xem
Tận dụng lợi thế, thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Sau một thời gian nuôi, bước đầu mô hình đem lại hiệu quả với thu nhập cao, mở ra triển vọng, hướng phát triển kinh tế mới.

Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Nguyễn Văn Đảm, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

An Đồng (Quỳnh Phụ) là xã ven đê có diện tích đất trồng ngô, cây vụ đông nhiều, đặc biệt có nhiều vườn cây ăn quả như nhãn, vải... tạo ra nguồn hoa lớn phù hợp cho nghề nuôi ong phát triển. Nhận thấy những lợi thế đó, năm 2018 anh Nguyễn Văn Đảm nhập 3 đàn ong về nuôi. Đến nay, đàn ong của anh đã nhân lên 50 đàn và cung cấp 20 đàn ong giống cho một số hộ trong xã. 

Anh Đảm cho biết: Nuôi ong không vất vả, không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu ít, tuy nhiên đòi hỏi phải có kinh nghiệm, đầu tư về kỹ thuật để hiểu rõ đặc điểm của đàn ong không được để ong, đánh nhau, cướp mật hay chia đàn... Nhân càng nhiều ong chúa, ong thợ về thùng thì sẽ càng được nhiều mật hơn, đem lại thu nhập cao hơn. 

Trung bình một tổ ong sẽ cho thu hoạch mật 3 lần/năm, muốn mật đậm đặc, sánh hơn thì để thời gian lấy mật dài một chút. Trong năm, lượng mật ong thu được nhiều và chất lượng ngon nhất là trong khoảng hơn một tháng vào mùa hoa nhãn, vải. Thời gian này, với 50 đàn tôi thu được hơn 300 lít mật, giá bán 250.000 - 300.000 đồng/lít; sau đó thì lượng mật giảm do nguồn hoa ít hơn. Sản phẩm mật ong của gia đình chủ yếu lấy từ hoa, hoàn toàn là mật nguyên chất nên được nhiều khách hàng tin dùng. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng từ mật và giống ong. Không mất nhiều công chăm sóc nên ngoài nuôi ong tôi vẫn làm thêm nghề khác để tăng thu nhập cho gia đình.

Bần, sú, vẹt là loại cây mọc ở ven biển, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Dựa vào lợi thế rừng ngập mặn ven biển có sẵn, nhiều người dân hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đã phát triển nghề nuôi ong, thu mật ong, phấn hoa, đặc biệt không phải tốn chi phí cho ăn, đem lại thu nhập cao, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tại địa phương. 

Anh Vũ Trung Hiếu, hộ nuôi ong xã Thái Đô (Thái Thụy) cho biết: Từ tháng 4 đến tháng 7 là khoảng thời gian các loài hoa ở trong rừng ngập mặn nở rộ nhất và đây cũng là mùa mà ong cho mật nhiều nhất trong năm. Trước đây, tôi nuôi ong tầng đơn truyền thống nhưng cho lượng mật thấp. Từ khi chuyển sang nuôi theo hình thức tầng kế, cùng số lượng đàn nhưng giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần tầng đơn. Nuôi ong tầng kế gần như khai thác tự nhiên, can thiệp rất ít vào con ong từ việc cho ăn, kiểm tra mật, nhàn cho người nuôi lại tốt cho ong, lượng mật thu được chất lượng hơn, năng suất hơn. Mật ong được công ty thu mua nên tôi rất yên tâm. Với nguồn mật dồi dào, thời gian tới tôi sẽ tăng số lượng đàn.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.200 đàn ong (tính cả đàn ong của người dân trong tỉnh và số lượng đàn ong hàng năm từ các địa phương khác gửi đến vào mùa hoa), chủ yếu tập trung tại các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải và Hưng Hà và phân bổ rải rác tại các huyện, thành phố.

Thái Bình có thành phần cây nguồn mật, phấn khá đa dạng, với diện tích rừng ngập mặn khoảng 4.000ha (trồng sú, vẹt, trang) mùa hoa nở khoảng tháng 4 đến tháng 8; mùa hoa nhãn, hoa vải từ tháng 2 đến tháng 3. Ngoài ra còn có các loại cây lương thực là nguồn cung cấp phấn hoa như lúa (153.693ha),  ngô (10.760ha), khoai lang (3.416ha) và nhiều cây trồng đa dạng khác. Hệ thống cây trồng đa dạng và phong phú cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên quan trọng của đàn ong mật. Với phương thức nuôi ong di chuyển, hàng năm có thể phát triển được hàng nghìn đàn ong.

Thái Bình có khoảng 4.000ha rừng ngập mặn, nhiều tiềm năng phát triển nuôi ong lấy mật.


Ngân Huyền