Thứ 7, 28/12/2024, 02:47[GMT+7]

Hội thảo quốc tế mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thứ 7, 08/01/2022 | 14:32:13
7,006 lượt xem
Ngày 8/1, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo quốc tế mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo.

Video: 0801_hoi_thao_nong_nghiep.mp4

Dự phiên chính thức hội thảo sáng ngày 8/1 có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; đại biểu một số tổ chức quốc tế; chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, xây dựng đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo. 

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu về vị trí địa lý, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn Thái Bình và những định hướng phát triển thời gian tới. Theo đó, Thái Bình sẽ quyết tâm, nỗ lực tìm các giải pháp để phát triển kinh tế toàn diện, chuyển một phần không nhỏ đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và các ngành nghề khác nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 3,5 %/năm. Ứng dụng đồng bộ quy trình giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo đồng thời tập trung phát triển lúa gạo theo 4 hướng: lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa xuất khẩu, lúa bản địa; tổ chức sản xuất theo hướng gắn chế biến, tiêu thụ tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất; xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh phân phối lớn. Phấn đấu trồng thêm khoảng 33 triệu đến 35 triệu cây xanh trong nội đồng và khu vực bãi triều ven biển để để góp phần tạo nên một không gian nông thôn đẹp, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được truyền thống của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, tăng thu nhập cho người nông dân; khôi phục và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa để tạo sản phẩm gia tăng giá trị; tái tạo sản phẩm phụ trong nông nghiệp quay lại phục vụ sản xuất nông nghiệp giảm áp lực ô nhiễm môi trường; phát triển và mở rộng thêm nghề nuôi ong mật, nuôi tằm và các sinh kế dưới tán rừng, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên để gia tăng các sản phẩm nông sản xanh, giảm phát thải... Phát triển du lịch để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ nông thôn; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng kết nối từ nông thôn cho các đô thị lớn qua các kênh phân phối lớn, kết nối đến các tua du lịch để tiêu thụ nông sản an toàn với khách du lịch. Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Xây dựng và phát triển đô thị nông thôn tạo nên những khu nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp sinh thái.

Với định hướng trên, UBND tỉnh Thái Bình, Tạp chí Cộng sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức hội thảo, mong muốn giới thiệu về đặc tính, đặc thù, tiềm năng, lợi thế, triển vọng và yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình thời gian tới từ đó nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tạp chí Cộng sản, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, ý kiến của các chuyên gia, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự vào cuộc đồng hành của các doanh nghiệp để khai thác tốt nhất mọi tiềm năng giá trị để chuyển đổi nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn tỉnh Thái Bình theo hướng “Chất lượng - Hiệu quả - Bền vững”. Hy vọng tỉnh Thái Bình sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp xanh, giảm phát thải và tiến đến không phát thải, đồng thời cũng là tỉnh có ngành nghề du lịch về nông nghiệp, nông thôn đạt ngang tầm quốc tế, phần lớn nông sản được tiêu thụ theo hướng xuất khẩu tại chỗ.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chủ đề hội thảo mà Thái Bình tổ chức rất cần thiết, đúng với định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới: hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết cần thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu, tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng, từ ngắn hạn sang dài hạn và bền vững. Các vấn đề được nêu ra trong hội thảo hôm nay sẽ gợi mở cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng, giải pháp phát triển ngành thời gian tới.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia nông nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ, trao đổi về mô hình nông nghiệp hữu cơ; cách làm thương hiệu cho sản phẩm; phát triển không gian khu vực nông thôn theo hướng đồng bộ kết nối với không gian đô thị; chuyển đổi số trong nông nghiệp và cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thái Bình...

Phát biểu kết thúc phiên chính thức hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo đã gợi mở cho Thái Bình định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Thái Bình đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, triển khai, cần sự liên kết của các nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực, từ khoa học chuyên ngành nông nghiệp đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Thái Bình mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các bộ, ngành trung ương, các nhà đầu tư trong nước, các tổ chức quốc tế vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để Thái Bình có những bước phát triển vượt bậc, ổn định, vững chắc.

Đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại hội thảo.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc như thập niên vừa qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lại biến đổi với tốc độ nhanh chóng, cường độ mạnh mẽ, nhịp độ gấp gáp như thế. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ phát triển kinh tế khu vực nông thôn vẫn thấp hơn, sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh, đời sống một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là khi gặp bất lợi của thị trường, thời tiết... Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhìn bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới là phát triển nền nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, đặt trong quan hệ phát triển kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn văn minh gắn kết chặt chẽ với đô thị hóa, kết nối không gian nông thôn - đô thị; xây dựng giai cấp nông dân văn minh thật sự là chủ thể cho cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn mà tính chủ thể được hiện diện ở cả năng lực nhận thức và năng lực hành vi, năng lực cá nhân và năng lực tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Trưởng ban Truyền thông và sự kiện, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Thái Bình là tỉnh vùng đồng bằng trù phú của Bắc Bộ với hệ thống hạ tầng đồng ruộng được đầu tư, thuận lợi gieo trồng đa dạng các cây trồng: lúa, rau, ngô, khoai tây, dược liệu. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã thể hiện rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, một điểm then chốt của chuỗi giá trị nông nghiệp chưa được đề cập trong kế hoạch cơ cấu lại ngành đó là khu hậu cần cung ứng. Đây là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành mà không riêng gì Thái Bình, các địa phương trong cả nước chưa chú trọng, chưa có giải pháp phù hợp. Thái Bình có lực lượng lao động nông nghiệp chăm chỉ, giàu kinh nghiệm, có truyền thống thâm canh, hoàn toàn có thể làm khu hậu cần cho “cực tăng trưởng năng động của cả nước” (Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng). Để tối ưu hóa chi phí cần ứng dụng công nghệ số, nông nghiệp thông minh và nâng cao năng lực của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp thì lợi ích kinh tế/diện tích/năng suất đầu tư và thu nhập của người lao động còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Tỉnh cần có chính sách kịp thời, khung pháp lý cụ thể đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, tạo sức hút nhà đầu tư, liên kết chuỗi đưa Thái Bình trở thành nam châm của kinh tế nông nghiệp vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ.

Tiến sĩ Chu Po Jung, chuyên gia nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Nhu cầu tinh dầu ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng cao. Ngành nông nghiệp tinh dầu không đòi hỏi đầu tư lớn và các công nghệ quá hiện đại. Thái Bình có nhiều lợi thế (khí hậu, lao động, vùng nguyên liệu phong phú) để phát triển công nghiệp sản xuất tinh dầu trên nền tảng nông nghiệp bền vững, phối hợp du lịch xanh. Cụ thể, từ những vùng trồng rau thơm: mùi, cần tây, tía tô, thì là... sẵn có, Thái Bình mở rộng quy mô, phát triển thêm các cây nguyên liệu như hương thảo, bạc hà, quế... tạo lập vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến, phối hợp với công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đồng thời triển khai các điểm du lịch, kết hợp sử dụng sản phẩm tinh dầu.



Tin: Lưu Ngần
Ảnh: Thành Tâm