Thứ 6, 27/12/2024, 11:03[GMT+7]

Tiền Hải:Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Thứ 2, 10/01/2022 | 08:25:40
7,553 lượt xem
Những năm qua, Tiền Hải đã có nhiều giải pháp về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng... nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Khu công nghiệp Tiền Hải được mở rộng nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Phát huy lợi thế, tiềm năng

Tiền Hải có bờ biển dài 23km, đất đai phì nhiêu, có khu công nghiệp, khí mỏ, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên khá thuận lợi trong việc giao lưu, liên kết kinh tế với các huyện của tỉnh và các địa phương khác. Những năm gần đây, kinh tế biển của huyện ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tiền Hải đã quan tâm, có bước đi thích hợp và những cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế biển.

Trong đó, chú trọng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Song song với đó là tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 19.310,1 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2020, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5.276,5 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng đạt 11.335,2 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 2.698,4 tỷ đồng. Lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt hải sản có nhiều đột phá, diện tích nuôi ngao giống, nuôi tôm công nghệ cao được mở rộng, toàn huyện có 93ha nuôi tôm công nghệ cao, năng suất đạt trên 40 tấn/ha mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần so với nuôi truyền thống. 

Phương thức nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm gắn với tăng vụ và đa dạng đối tượng nuôi phù hợp; khai thác hải sản được tăng cường, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Kiểm soát, khống chế kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm. Quy hoạch vùng ươm ngao giống diện tích 300ha; 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản mỗi năm đáp ứng được 20% nhu cầu. Chế biến thủy sản từng bước được chú trọng, đã hình thành các doanh nghiệp, đầu mối chế biến cung cấp trong nước và xuất khẩu.
Để phát triển thủy sản bền vững, Tiền Hải cùng với các ngành của tỉnh đang từng bước thực hiện khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích hơn 300ha tại các xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú.

Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm

Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số cơ sở giống thủy sản chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng thu hút các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có kỹ thuật, công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn khí đốt, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: sản xuất gạch ốp, gạch lát, sứ xây dựng, sứ mỹ nghệ, công nghiệp chế biến thủy hải sản, chế biến lương thực thực phẩm, năng lượng, điện tử... Rà soát đất đai, ưu tiên quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với định hướng quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình.

Tiền Hải còn triển khai thực hiện các quy hoạch, các đề án phát triển công nghiệp, chú trọng công tác thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp, kịp thời nắm bắt thông tin tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện đồ án quy hoạch thị trấn Tiền Hải đạt đô thị loại IV, thị tứ Nam Trung đạt đô thị loại V, xây dựng Đồng Châu, Cồn Vành theo định hướng quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình. Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan và đại diện cộng đồng dân cư về phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Trà Xuyên, khu phố biển Đồng Châu, khu đô thị Đông Minh, khu công nghiệp Đông Long.

Trung tâm phân phối khí tại Khu công nghiệp Tiền Hải.

Để thực hiện các giải pháp đồng bộ, Tiền Hải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình; rà soát để quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch mới các xã, thị trấn, các cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch chung; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng, phát triển Khu kinh tế; tập trung huy động các nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh, tại Khu kinh tế Thái Bình. Tập trung giữ vững an ninh chính trị, giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường bộ ven biển, đường 221A, các dự án trong Khu kinh tế. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh cho các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình.


Mạnh Thắng