Thứ 2, 29/07/2024, 01:24[GMT+7]

Phát triển thương mại năm 2012 và những “cú hích”

Thứ 5, 14/02/2013 | 23:21:43
1,811 lượt xem
Vượt qua những thách thức của một tỉnh mà điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất công nghiệp nhỏ bé, thời gian gần đây ngành thương mại tỉnh ta đã có bước phát triển khá toàn diện, nhất là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

Mua sắm tại siêu thị M10Mart (Đường Lý Thường Kiệt - Thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Đặc biệt trong năm 2012 vừa qua, hầu hết các ngành kinh tế phải đối diện với khó khăn và gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai thì ngành thương mại vẫn trụ vững và tỏa sáng, vượt qua gió rét, trổ hoa kết trái đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 750 triệu USD. Để tạo “cú hích” cho ngành thương mại phát triển, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhất quán, đồng bộ và thông thoáng. Đáng chú ý là Quyết định số 01 năm 2009 về khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại giai đoạn 2009 - 2015; cơ chế quản lý và sử dụng nguồn vốn khuyến thương hàng năm; tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, ngành Công Thương đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thái Bình giai đoạn 2010- 2020; quy hoạch hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020… Chính sự thông thoáng về chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đóng góp nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Giai đoạn 2007- 2011, toàn tỉnh đã thu hút 69 dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại với tổng số vốn đăng ký đạt 1.766 tỷ đồng, sử dụng hơn 431.000m2 đất, giải quyết việc làm cho khoảng 6.300 lao động. Cơ sở hạ tầng thương mại cũng vì thế mà ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với 233 chợ các loại, trong đó 46 chợ ở khu vực thành phố, chiếm gần 20%; còn lại tập trung ở khu vực nông thôn. Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Từ năm 2007 - 2011, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án đầu tư vào lĩnh vực này với số vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 70.000m2 đất và tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động. Hiện tại, tỉnh ta đang có 8 siêu thị và 2 trung tâm thương mại; trong đó có một số điểm có quy mô khá lớn như Siêu thị Happro, Trung tâm Thương mại Victory…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 200 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 8 kho chứa xăng dầu với tổng sức chứa khoảng 8.800m3.

Không chỉ quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, tỉnh ta còn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhất là việc hình thành các khu - cụm công nghiệp tập trung bằng cách tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách kết hợp với huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế khác. Đồng thời, đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn giảm thuế, hỗ trợ san lấp mặt bằng, đào tạo lao động... Vì thế số lượng doanh nghiệp tăng lên không ngừng, từ 330 doanh nghiệp năm 2000 tăng lên 1.500 doanh nghiệp năm 2005 và hiện nay toàn tỉnh có hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 ước đạt 12.638 tỷ đồng. Sự phát triển toàn diện về công nghiệp là tiền đề quan trọng thúc đẩy thương mại phát triển nhờ tạo được khối lượng hàng hóa lớn, chủng loại hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh. Trong đó  một số sản phẩm đã tạo được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như dệt may, chiếu cói, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến...

Công nhân Công ty TNHH Khánh Hà (xã Bình Minh - Kiến Xương) may khăn bông xuất khẩu. Ảnh: Thành Tâm

Chính nhờ hạ tầng  ngày càng phát triển và số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thương mại phát triển, nhất là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Hơn 3 năm trở lại đây, mặc dù điều kiện kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng ngành thương mại vẫn trụ vững và duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Năm 2012, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta phải chịu tác động kép của khủng hoảng kinh tế thế giới và sự tàn phá của thiên tai; song tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ toàn tỉnh ước đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng 17,85% so với năm 2011. Đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa, nếu như năm 2005 tổng kim ngạch xuất khẩu mới đạt 100 triệu USD, đến năm 2010 chạm ngưỡng 500 triệu USD thì đến năm 2012 đã đạt 753 triệu USD, tăng 15,5% so với năm 2011 và gấp 4,55 lần so với năm 2007 (năm Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới). Tính chung giai đoạn 2007- 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân 44,08%/năm. Hiện tỉnh ta có khoảng 124 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, trong đó 108 doanh nghiệp đạt kim ngạch dưới 5 triệu USD/ năm, 10 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 5 đến dưới 10 triệu USD/năm, 16 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 10 - 100 triệu USD/năm. Hàng hóa do các doanh nghiệp  sản xuất ra đang có mặt tại 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 9 thị trường so với năm 2008. Trong đó, thị trường châu Á có 16 nước và vùng lãnh thổ, thị trường châu Âu có 17 nước, thị trường châu Phi có 3 nước và thị trường châu Mỹ có 12 nước.

Về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu thì dệt may vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 77,17% (tương đương với giá trị 556 triệu USD); tiếp đến là thủy - hải sản chiếm 3,22% (tương đương 12,526 triệu USD), hàng thủ công mỹ nghệ chiếm gần 1% (tương đương 6,54 triệu USD). Ngoài ra còn phải kể tới một số mặt hàng khác như: Gạo 2,56 triệu USD, thực phẩm chế biến 7,3 triệu USD, sản phẩm đồ gỗ 2,71 triệu USD, phôi thép 30 triệu USD… Kim ngạch dệt may đã có bước tiến vượt bậc so với trước: Hình thức làm hàng gia công giảm nhanh, phương thức mua nguyên liệu - bán thành phẩm tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 33 - 35% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu khá lớn, điển hình như Công ty may Ivory Việt Nam đạt 80 triệu USD/ năm, Công ty may xuất khẩu Maxport đạt 100 triệu USD/ năm...

Trong định hướng phát triển thương mại đến năm 2015, tỉnh ta chủ trương xây dựng ngành thương mại hiện đại dựa trên cơ cấu ngành hàng hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Phấn đấu giai đoạn 2012 - 2015, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 20%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 900 triệu USD. Trước mắt, năm 2013 này tỉnh ta đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lên 800 triệu USD.

Mạnh Cường

  • Từ khóa