Thứ 5, 28/11/2024, 10:32[GMT+7]

Chủ động phòng bệnh cho vật nuôi

Thứ 4, 23/03/2022 | 09:54:17
7,720 lượt xem
Những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa tạo thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi. Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm chất lượng, sản lượng gia súc, gia cầm, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tập trung phòng bệnh cho vật nuôi, trọng tâm là công tác khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) tổ chức khử trùng tiêu độc khu vực chợ.

Thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp làm cho vật nuôi không kịp thích nghi nên hay bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Đối với trâu, bò, một số dịch bệnh dễ nhiễm như tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê, nghé, lở mồm long móng, cước chân, trướng bụng đầy hơi. Đối với lợn là các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả; lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, ecoli... Đối với gia cầm, một số bệnh hay gặp là Gumboro, Newcastle, cúm, hội chứng tiêu chảy, H5N1... Mặt khác, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, xen kẹp trong khu dân cư dễ dẫn tới phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Xác định được tầm quan trọng của việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. Các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn, tổ giám sát, bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, việc sử dụng hóa chất theo đúng yêu cầu kỹ thuật; đôn đốc, kiểm tra cơ sở thực hiện công tác khử trùng tiêu độc theo đúng kế hoạch đã ban hành. Các địa phương thành lập các tổ phun thuốc sát trùng của xã, thôn để thực hiện khử trùng tiêu độc theo đúng kỹ thuật. 

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Đến tháng 3, đàn trâu, bò của huyện có trên 4.000 con, lợn trên 50.000 con và khoảng 1,3 triệu con gia cầm. Hiện người chăn nuôi các địa phương đang tập trung tái đàn. Thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc từ ngày 15/3 - 15/4, hết ngày 16/3 huyện đã cấp cho 30/32 xã, thị trấn 1.837/2.150 lít hóa chất sát trùng chủng loại Viabencovet. Ngoài nguồn hóa chất hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi mua bổ sung hóa chất, vôi bột thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc bảo đảm hiệu quả.

Vắc-xin bảo đảm chất lượng, tiêm đúng kỹ thuật, đủ liều là yếu tố quyết định hiệu quả phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi vụ xuân hè, trong đó ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm, dễ phát sinh vào thời điểm cuối xuân, sang hè như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên lợn; cúm, dịch tả trên đàn gia cầm; bệnh dại trên đàn chó, mèo. 

Bà Lương Thị Hằng, xã Đông Trung (Tiền Hải) cho biết: Gia đình tôi nuôi 30 con lợn nái và trên 300 con lợn thịt. Với kinh nghiệm chăn nuôi gần 30 năm, tôi nhận thấy để phát triển ổn định và hiệu quả thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi phải là ưu tiên hàng đầu. Được tỉnh hỗ trợ trong công tác tiêm phòng nên gia đình tôi giảm được chi phí, ngoài ra nếu vật nuôi đến tuổi tiêm phòng mà chưa có đợt hỗ trợ thì gia đình tôi đăng ký mua vắc-xin phòng bệnh kịp thời. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình tôi luôn phát triển khỏe mạnh.

Không chỉ tại gia đình bà Hằng, các hộ chăn nuôi trong tỉnh ngày càng nâng cao ý thức, nhận thức đầy đủ về công tác tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm khi đến tuổi. Các loại bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn... đều có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Ngoài ra, việc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh thông thường cũng là yếu tố đẩy lùi nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời gian cao điểm của đợt tiêm phòng vụ xuân hè. Với tinh thần phòng dịch hơn chống dịch, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tỷ lệ tiêm phòng các bệnh “đỏ” cho đàn lợn đạt trên 90% tổng đàn; tỷ lệ tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò đạt trên 80% tổng đàn; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại chó, mèo tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn nái và đực giống đạt 90% trở lên và tỷ lệ tiêm phòng bệnh cúm gia cầm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mới phát hiện một ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Hồng Lý (Vũ Thư). Đến nay, ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan. Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn đàn vật nuôi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng vôi bột rắc vùng phụ cận khu vực chuồng nuôi mỗi tuần 1 lần để phòng chống dịch bệnh. 

Ngân Huyền