Thứ 2, 29/07/2024, 01:25[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản phát triển hạ tầng đô thị

Thứ 2, 04/03/2013 | 15:50:23
3,417 lượt xem
Là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Thành phố luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhiều công trình, hạng mục công trình nhằm phát triển hạ tầng đô thị, từ đó sớm đưa Thành phố trở thành đô thị loại II.

Cầu Phúc Khánh (Thành phố Thái Bình) vừa hoàn thành và đi vào hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Tính đến 31/12/2012, tổng giá trị khối lượng thực hiện của các dự án, công trình XDCB trên địa bàn Thành phố ước đạt 312,95 tỷ đồng, bằng 179% so với kế hoạch, trong đó vốn ngân sách Thành phố 93,7 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 110,15 tỷ đồng và các nguồn vốn khác 109,1 tỷ đồng. Nhiều công trình, hạng mục công trình giáo dục, y tế, trụ sở các cơ quan, đơn vị, các công trình hạ tầng đô thị được tu bổ, nâng cấp và đầu tư mới như: nhà làm việc Trung tâm Y tế Thành phố, đường vào Khu di tích lịch sử đền Quan, vỉa hè đường Trần Thủ Ðộ (đoạn từ phố Lý Bôn đến hết khu quy hoạch dân cư, tái định cư phường Tiền Phong), điện chiếu sáng đường Lê Quý Ðôn (từ Lê Lợi đến Trần Thánh Tông)... Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, UBND Thành phố đã chủ động cân đối ngân sách, từ đó xây dựng phương án bổ sung kế hoạch vốn XDCB cho các công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn thanh toán và các công trình sắp hoàn thành có giá trị khối lượng thực hiện lớn với tổng số tiền 10,829 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố còn đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình trọng điểm như: đường vành đai phía Nam Thành phố (vốn trái phiếu Chính phủ), cầu Vũ Phúc (vốn ngân sách tỉnh, đã thông xe trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ), dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Thành phố (vốn ODA 6,5 tỷ đồng và vốn đối ứng 10 tỷ đồng), đường Trần Lãm (vốn ngân sách tỉnh), san lấp mặt bằng khu Trung tâm Y tế tỉnh (vốn ngân sách tỉnh), đường Bùi Sỹ Tiêm (vốn ngân sách tỉnh).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình đầu tư XDCB ở Thành phố còn nhiều khó khăn: nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư đồng bộ giữa khối lượng công trình chính và các hạng mục phụ trợ nên thời gian đầu tư hoàn chỉnh kéo dài, nhiều thủ tục phát sinh. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch địa điểm một số dự án gặp vướng mắc nên việc thi công không thực hiện đúng tiến độ (đường Trần Nhân Tông, đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến cầu sau nhà thờ và từ đường Phạm Thế Hiển đến đường Kỳ Ðồng, nghĩa trang nhân dân phía Nam Thành phố...). Một số chủ đầu tư chưa chủ động trong việc triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dẫn tới tiến độ triển khai không đạt kế hoạch...

Năm 2013, Thành phố dự kiến bố trí đầu tư cho 57 công trình, hạng mục công trình với tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng, trong đó có 11 công trình giáo dục (11,71 tỷ đồng), 1 công trình y tế (0,3 tỷ đồng), 8 công trình trụ sở cơ quan, đơn vị (7,43 tỷ đồng), 21 công trình hạ tầng đô thị (19,451 tỷ đồng), 3 công trình hạ tầng quỹ đất đấu giá (24,5 tỷ đồng), 7 công trình khác (3,98 tỷ đồng), 6 công trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (1,7 tỷ đồng) và vốn dự phòng các dự án giải phóng mặt bằng, dự án phát sinh đột xuất (25,929 tỷ đồng). Với nguồn vốn đó, đối với các công trình hoàn thành và chuyển tiếp từ năm 2012, Thành phố ưu tiên cho các công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết toán nhưng còn thiếu vốn thanh toán được phân bổ từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2012, cân đối đủ vốn cho các công trình đã hoàn thành năm 2012 đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán hoặc thi công chuyển tiếp từ năm 2012 hoàn thành trong năm 2013 có nhu cầu vốn còn lại (so với tổng mức đầu tư đã trừ dự phòng) nhỏ hơn 1 tỷ đồng, cân đối bảo đảm 80% nhu cầu vốn còn lại (so với tổng mức đầu tư đã trừ dự phòng) cho các công trình hoàn thành năm 2012 đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán, cân đối khoảng 50% nhu cầu vốn còn lại (so với tổng mức đầu tư đã trừ dự phòng) cho các công trình thi công chuyển tiếp từ năm 2012. Ðối với các công trình khởi công mới năm 2013, bố trí một phần kế hoạch vốn làm căn cứ khởi công xây dựng các công trình đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật trong năm 2012.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng ưu tiên cho các công trình bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Cụ thể: bố trí từ 100-200 triệu đồng cho một số công trình để các chủ đầu tư chủ động triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, việc bố trí kế hoạch vốn khởi công căn cứ vào tiến độ triển khai từng dự án, công trình cụ thể và khả năng cân đối vốn. Ðối với việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, dành 20% tiền thu sử dụng đất trên địa bàn các xã để cân đối đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới.

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, việc bố trí vốn đầu tư XDCB hợp lý theo tiến độ thực hiện và theo loại công trình, hạng mục công trình sẽ giúp Thành phố trở thành đô thị loại II trong tương lai gần.

Minh Hương

  • Từ khóa